Không phải Đức, Pháp... đây mới là nền kinh tế dẫn đầu châu Âu về tốc độ tăng trưởng và cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ
Tây Ban Nha đang nổi lên như một điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thời gây ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, cạnh tranh với cả Mỹ.
Nhiều yếu tố đã góp phần tạo nên sức bật cho nền kinh tế này, từ sự bùng nổ của ngành du lịch đến khả năng chống chịu trước những biến động toàn cầu.
Ngành du lịch đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha những năm gần đây. Theo Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, đây là động lực "cơ bản" giúp Tây Ban Nha trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất châu Âu trong năm 2024, thậm chí vượt cả Mỹ, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
IMF cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha có thể tăng 3,1% trong năm 2024, trong khi mức tăng trưởng ước tính của Mỹ là 2,8%. Năm 2023, nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu này cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ 2,7%.
Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, ông Carlos Cuerpo, khẳng định du lịch là một nhân tố quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của đất nước kể từ năm 2021, sau đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia khác cũng đồng tình với quan điểm này. Ông Toni Roldan, Giám đốc Trung tâm chính sách kinh tế Esade, nhận định ngành du lịch đang hoạt động rất tốt và đã có sự chuyển biến về bản chất. Du lịch Tây Ban Nha không chỉ còn là loại hình "nghỉ dưỡng biển giá rẻ" mà còn bao gồm cả những trải nghiệm cao cấp như tham quan các nhà máy rượu vang danh tiếng.
Bộ Công nghiệp và du lịch Tây Ban Nha ước tính đã có 94 triệu lượt du khách nước ngoài đến thăm trong năm ngoái - một con số kỷ lục, với mức chi tiêu khoảng 126 tỷ Euro (132 tỷ USD). Đóng góp của du lịch cho nền kinh tế cũng tăng lên đáng kể. Ngành này chiếm hơn 12% GDP của Tây Ban Nha trong năm 2023 và gần như tỷ lệ tương tự trong tổng số việc làm.
Bên cạnh đó, làn sóng nhập cư cũng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha. Khoảng nửa triệu người nhập cư ròng đã đến Tây Ban Nha mỗi năm kể từ 2021, bổ sung thêm nguồn lao động và người tiêu dùng cho nước này. Do phần lớn người nhập cư đến từ Mỹ Latinh, việc hòa nhập vào nền kinh tế trở nên dễ dàng hơn nhờ sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa.
Một lợi thế khác của Tây Ban Nha là nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên chủ yếu từ Bắc Phi, giúp nước này tránh được sự tăng giá năng lượng mạnh sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine năm 2022. Trong khi đó, chi phí năng lượng cao đã kìm hãm ngành công nghiệp của Đức. Đây là một trong những yếu tố làm nền kinh tế lớn nhất châu Âu này suy yếu trong hai năm qua.
Một điểm mạnh khác của Tây Ban Nha là ít phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ so với các nước châu Âu khác.
Ông George Buckley, chuyên gia kinh tế trưởng tại châu Âu của Nomura, trích dẫn số liệu của IMF cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước này sang Mỹ chỉ chiếm 1,3% GDP năm 2023, trong khi tỷ lệ này của 20 nền kinh tế sử dụng đồng Euro lên đến 3,1%. Điều này có nghĩa là Tây Ban Nha sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi việc tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu mà tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất.
Mặc dù các nhà kinh tế dự báo tốc độ tăng trưởng của Tây Ban Nha sẽ chậm lại, nhưng nước này vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục vượt trội so với Khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) trong một hoặc hai năm tới.
IMF dự báo Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm nay, trong khi khu vực Eurozone được dự đoán tăng 1% và kinh tế Mỹ tăng 2,7%. Tuy nhiên, theo Citi, đơn vị có dự báo tăng trưởng tương tự cho Tây Ban Nha và khu vực Eurozone, tăng trưởng yếu hơn của Mỹ vào năm 2025 sẽ khiến Mỹ bị bỏ xa so với nền kinh tế “ngôi sao” của châu Âu này.