Không phải Hezbollah, lực lượng vừa khiến Mỹ căng mình 9 tiếng đánh chặn mới là mối nguy số 1 với Israel?

Theo chuyên gia, sẽ khó để Israel trả đũa ngay lập tức nếu lực lượng này phát động tấn công.

Mỹ đánh chặn tên lửa và UAV Houthi suốt 9 tiếng

Theo tờ The National News, mặc dù ở cách xa 1.600km, nhóm vũ trang Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen vẫn có thể trở thành mối đe dọa đối với Israel trong bối cảnh quốc gia Do Thái đang tiếp tục mở rộng không kích Gaza để đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của Hamas cách đây 3 tuần.

Trong tuần trước, Lầu Năm Góc đã cáo buộc Houthi phóng một loạt tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào Israel, khiến tàu chiến Hải quân Mỹ phải có hành động ngăn chặn.

Hãng tin CNN ngày 20/10 dẫn lời một quan chức Mỹ nắm rõ tình hình cho biết, tàu khu trục USS Carney đã hạ tới 19 mục tiêu (bao gồm 4 tên lửa hành trình và 15 UAV) phóng từ Yemen nhằm vào Israel trong vòng 9 tiếng đồng hồ ở Biển Đỏ.

"Quá trình đánh chặn kéo dài khoảng 9 tiếng. Các mục tiêu bay dọc theo Biển Đỏ về hướng bắc, quỹ đạo bay cho thấy chúng rõ ràng đang nhắm vào Israel" - Quan chức Mỹ cho hay.

USS Carney phóng tên lửa đánh chặn mục tiêu ở Biển Đỏ đêm 19/10. Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Carney phóng tên lửa đánh chặn mục tiêu ở Biển Đỏ đêm 19/10. Ảnh: Hải quân Mỹ

Mỹ rất hiếm khi đánh chặn các vụ phóng của Houthi. Lần gần đây nhất là vào tháng 10/2016, trong đó tàu khu trục USS Mason đã triển khai các biện pháp ứng phó nhằm ngăn chặn nỗ lực tấn công của Houthi vào tàu Hải quân Mỹ ở Biển Đỏ và các tàu thuyền khác lân cận. Lực lượng Mỹ tiếp đó đã phóng tên lửa hành trình từ biển vào các cơ sở radar của Houthi ở Yemen để trả đũa.

Giới chuyên gia nhận định, đòn tấn công bằng tên lửa và UAV từ Yemen nhằm vào Israel là một dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy xung đột Dải Gaza có thể lan rộng khắp Trung Đông và thậm chí lôi kéo Mỹ vào chiến sự.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì vào ngày 27/10 vừa qua, quân đội Ai Cập thông báo máy bay không người lái đã tấn công hai trị trấn của nước này gần biên giới với Israel, gây ra các vụ nổ khiến ít nhất 6 người bị thương.

Hiện chưa có bên nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công UAV nhưng Bộ Ngoại giao Israel đã nhanh chóng lên tiếng cáo buộc số máy bay này là do Houthi triển khai "với mục đích gây tổn hại cho Israel".

Bình luận trên The National, ông Maged Al Madhaji - đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Sanaa cho biết:

"Đây chỉ là những cuộc tấn công mang tính biểu tượng nhưng mang theo thông điệp quan trong từ Iran rằng, các đồng minh của họ có thể tìm cách tấn công Israel từ nhiều vị trí khác nhau, và thậm chí nhắm tới cả các mục tiêu của Mỹ".

Theo ông Sanaa, nếu có bất cứ hành động trả đũa nào nhằm vào Houthi thì đây vẫn là lực lượng phải "trả cái giá rẻ nhất" so với các đồng minh khác của Iran trong khu vực.

Năng lực đáng gờm

Từ tên lửa đạn đạo cho tới UAV, nhóm vũ trang Houthi đã tìm cách tăng cường năng lực chiến đấu kể từ khi cuộc nội chiến ở Yemen bùng phát năm 2014, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng.

Cho tới cuối năm 2018, Houthi thường xuyên sử dụng tên lửa đạn đạo mà nhóm thu được từ các kho vũ khí của quân đội trong các cuộc tấn công. Song, trong 5 năm trở lại đây, nhóm này bắt đầu chuyển sang sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ, tầm xa, mang theo thuốc nổ và có khả năng tránh bị radar phát hiện.

Thống kê của liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu vào tháng 6/2019 cho thấy, Houthi đã phóng tổng cộng 226 tên lửa đạn đạo và 710.606 đầu đạn trong suốt 4 năm xung đột ở Yemen (từ 2014).

Năm 2018, Houthi ra mắt UAV có tầm hoạt động 1.200-1.500km, cho phép tung đòn tấn công nhằm vào các thành phố Riyadh (Ả Rập Saudi), Abu Dhabi và Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất). Ngoài UAV, Houthi còn sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình diệt hạm, xuồng tự sát không người lái, tên lửa đạn đạo và pháo phản lực tầm xa. Nhóm này được cho là đang kết hợp giữa các vũ khí tự phát triển với linh kiện mua từ nước ngoài để nâng cấp khí tài có sẵn.

Tháng 9/2022, lực lượng Houthi ở Yemen phô diễn sức mạnh quân sự trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 9 năm ngày tiếp quản Sanaa. Ảnh: Defense Update

Tháng 9/2022, lực lượng Houthi ở Yemen phô diễn sức mạnh quân sự trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 9 năm ngày tiếp quản Sanaa. Ảnh: Defense Update

Houthi hiện chưa đưa ra bình luận trước các cáo buộc tấn công của Lầu Năm Góc và Israel. Tuy nhiên, 3 ngày sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel hôm 7/10, thủ lĩnh Houthi Abdel-Malek Al Houthi đã cảnh báo rằng, nhóm vũ trang Houthi "sẵn sàng tham chiến", phối hợp với các đồng minh khác của Iran trong khu vực.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Abdul Malik al-Houthi tuyên bố: "Nếu người Mỹ trực tiếp can dự, chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia vào các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và các hoạt động quân sự khác".

Sau tuyên bố trên, tới ngày 12/10, theo ghi nhận của Avia.Pro, Houthi tiếp tục đăng tải lên internet các bức ảnh kèm nhiều thông điệp được viết bằng cả tiếng Ả Rập và tiếng Do Thái. Một phần nội dung trong các thông điệp này được dịch ra là:

"Chúng tôi đang đến... hãy mong chờ những điều bất ngờ".

Mối đe dọa không thể xem nhẹ

Theo The National, vụ phóng tên lửa và UAV nghi của Houthi vào tuần trước diễn ra trùng với thời điểm các nhóm chiến binh thân Iran tấn công căn cứ quân đội Mỹ ở Syria và Iraq. Nó cũng đánh dấu 23 năm sau vụ tấn công tàu khu trục USS Cole tại cảng Aden ở Yemen, khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 40 thành viên khác trong thủy thủ đoàn bị thương.

Viện Trung Đông (trụ sở tại Washington) nhận định, Houthi đang tìm cách "củng cố mối liên kết của nhóm với trục kháng chiến trong khu vực".

Ngoài ra,

"họ cũng đang tìm cách gửi thông điệp tới Mỹ rằng, trong tương lai, Houthi có thể nhắm mục tiêu vào các tài sản và lợi ích của Mỹ hoặc Israel trong khu vực, bao gồm cả các phương tiện đi qua Biển Đỏ và eo biển Bab Al Mandab - tuyến đường chính cho các tàu chở dầu và tàu thương mại ".

Ông Madhaji cho rằng, một khi Iran tập hợp các đồng minh của mình phía sau cuộc xung đột đang có xu hướng lan rộng ở Trung Đông thì Houthi sẽ nổi lên như một nhân tố lớn, khó có thể xem nhẹ.

"Sẽ khó để Israel trả đũa ngay lập tức, và Mỹ chắc chắn sẽ không ném bom ác liệt vào một quốc gia đang bị cuộc nội chiến kéo dài 9 năm và một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới tàn ph á" - Ông Madhaji nói.

- Video: Tên lửa TOW - “Sát thủ diệt tăng” của Quân đội Mỹ. Nguồn: QĐND.

Theo Phụ nữ mới

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/khong-phai-hezbollah-luc-luong-vua-khien-my-cang-minh-9-tieng-danh-chan-moi-la-moi-nguy-so-1-voi-israel/20231029093840954