'Không phải học để đi thi, mà học để có kiến thức, kỹ năng'

Thầy cô cho rằng nếu lạm dụng hình thức dạy học mới sẽ dễ dẫn đến quá tải cho học sinh trong quá trình thực hiện yêu cầu của bài giảng.

Chiều ngày 22/2, Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với các cụm trường THPT tổ chức chuyên đề sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn theo chủ đề đánh giá năng lực phát triển của học sinh trong bài dạy. Tại buổi này, Chủ đề A (bài 3, bài 4 – Sách giáo khoa Tin học lớp 10 – Bộ sách Cánh Diều) đã được lựa chọn làm bài giảng mẫu thông qua dự án học tập. Bài giảng mẫu góp phần giúp các thầy cô giáo hiểu rõ cách xây dựng tiêu chuẩn đánh giá học sinh và thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Nhấn mạnh vai trò của giờ giảng mẫu, ông Lê Hồng Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học cho biết các buổi chuyên đề, tổ chức tiết dạy minh họa như hiện nay chỉ là bước khởi đầu. Để có những tiết học thực sự đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 còn một chặng đường rất dài.

Lý giải chọn môn Tin học là môn đầu tiên cho buổi dạy mẫu, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin theo thống kê Vật lý và Tin học là 2 môn được học sinh lựa chọn học nhiều nhất.

“Rõ ràng học sinh đã nhận thức được tầm quan trọng của môn học, không phải học để đi thi, mà học để có kiến thức, kỹ năng. Việc dạy học, đổi mới theo hướng phát triển tư duy, năng lực của học sinh là hết sức cần thiết”, ông Vũ bày tỏ.

Học sinh được phát huy sáng tạo trong chương trình mới.

Học sinh được phát huy sáng tạo trong chương trình mới.

Sau khi tiến hành dạy mẫu, trình bày về mục đích của bài giảng, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, Nhóm trưởng bộ môn Tin học, Trường THPT Bắc Thăng Long chia sẻ rằng việc xây dựng dự án nhằm giúp học sinh tự nghiên cứu bài học dựa trên học liệu điện tử mà giáo viên cung cấp. Đồng thời, cho các em phát triển năng lực tạo ra sản phẩm mang dấu ấn của mình. Thông qua việc tự xây dựng sản phẩm, cô Hằng cũng nhận thấy học sinh ngoài kiến thức các em còn có thể nhìn nhận vấn đề liên quan đến khoa học, thực tiễn.

Tuy nhiên, đánh giá tiết dạy minh họa, đại diện trường THPT Cổ Loa cho biết: “Để làm được tiết dạy như vậy sự rất cần sự đầu tư của cô giáo về ý tưởng, suy nghĩ xây dựng tiêu chí đánh giá chung và riêng”.

Theo vị đại diện này, xây dựng bộ đánh giá như vậy là công việc khá khó, nếu từng chủ đề phải làm những tiêu chí khác nhau rất mất thời gian. Phương pháp dạy theo dự án đã được thực hiện rất lâu nhưng để cho học sinh và giáo viên đánh giá đúng sản phẩm là rất khó, và thường cho điểm theo cảm tính.

Đại diện Trường THPT Archimedes Đông Anh cũng cho rằng việc dạy bài giảng theo các dự án là sáng tạo phù hợp, nhưng nếu lạm dụng phương pháp này dễ gây quá tải cho học sinh. Vì vậy, cần kết hợp nhịp nhàng các hình thức để phù hợp với khả năng của các em.

Thầy Nguyễn Chí Trung, tác giả sách giáo khoa Tin học lớp 10 bộ sách Cánh Diều.

Thầy Nguyễn Chí Trung, tác giả sách giáo khoa Tin học lớp 10 bộ sách Cánh Diều.

Trước những băn khoăn của giáo viên, đại diện cho nhóm chuyên gia, cô Kiều Phương Thùy, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đưa ra giải pháp: “Những đánh giá về hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề,… của học sinh là giống nhau và có thể tái sử dụng cho các bài học khác nhau, vì vậy thầy cô cũng sẽ không phải tốn nhiều thời gian cho hoạt động này”.

Cũng tại buổi dạy, dưới góc độ chuyên môn trao đổi với

Người Đưa Tin

, thầy Nguyễn Chí Trung, Trưởng bộ môn Phương pháp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời cũng là tác giả sách Tin Học lớp 10 Cánh Diều chia sẻ: “Bài giảng đã bám sát chương trình, việc hướng dẫn dạy dự án trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý hơn về cấu trúc, giáo viên nên nói rõ mục đích của buổi học, hướng dẫn đánh giá”.

Theo thầy Trung việc hướng dẫn đánh giá cho học sinh là rất quan trọng để các em nắm rõ mục đích và lợi ích của dự án. Ngoài ra, trong quá trình dạy giáo viên cần làm rõ từng khái niệm, nhất là những khái niệm mới xuất hiện trong quá trình chuyển đổi số hiện nay

.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-phai-hoc-de-di-thi-ma-hoc-de-co-kien-thuc-ky-nang-a594867.html