Không phải 'phá' lúc nào cũng xấu!

Trong tiếng Việt, từ 'phá' vốn nằm trong một trường nghĩa không hay. Nhưng vẫn có những kết hợp có từ phá đáng khuyến khích đấy.

Trong rất nhiều cái tết mà dân gian ta đang duy trì theo phong cách cổ truyền thì Tết Trung Thu gần như “đặc cách” dành riêng cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Trung thu, nghĩa Hán Việt nghĩa là “giữa mùa thu”. Nhưng Tết Trung Thu chỉ diễn ra trong một ngày, đó là ngày rằm tháng tám âm lịch hàng năm. Hôm nay – 15 tháng tám năm Nhâm Dần – đúng Tết rồi đó. Các em khắp nơi (và cả người lớn khắp nơi nữa) đang đợi chờ ngày rằm Trung Thu để được trông trăng phá cỗ.

Phá cỗ, một từ nghe khá lạ tai mà theo quan niệm dân gian thì lại hết sức đặc biệt, thiêng liêng và giàu cảm xúc biết bao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong tiếng Việt, từ phá vốn nằm trong một trường nghĩa không hay. Khi muốn “làm cho tan ra, hư hỏng, cho không còn nữa” thì người ta dùng đến phá: phá nhà, phá đường, phá đám, phá bĩnh, phá hoại... (Nhà em phơi lúa chưa khô/ Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong/ Nhà em con bế con bồng/ Em cũng theo chồng đi phá đường quan – Tố Hữu).

Phá ở đây trái với “xây đắp, tạo dựng”. Mà lẽ thường, phá bao giờ cũng dễ dàng, đơn giản hơn là quá trình gây dựng. Kiếm củi ba năm thiêu một giờ, chuyện phá phách cũng tương tự thế thôi. Con cái nhà ai mà bị coi là kẻ ăn tàn phá hại, hoặc ăn chơi tới mức phá gia chi tử thì có thể xếp vào hạng người hư hỏng mất nết, khó có cơ thành đạt nên người, có khi còn làm nguy hại tới thanh danh của bản thân và gia đình mình.

Nhưng vẫn có những kết hợp có từ phá đáng khuyến khích đấy. Chẳng hạn, phá cách: bỏ không theo cách luật, vần điệu, những quy định trong văn thơ cổ để tìm một cách thể hiện mới (trong văn học); phá vây: chọc thủng vòng vây để thoát ra ngoài; phá kỉ lục: vượt qua một kỷ lục được thiết lập trước đó; phá lưới: (cầu thủ) ghi bàn vào lưới đối phương. Nếu cầu thủ nào đó mà ghi nhiều bàn thắng nhất trong phạm vi một giải nào đấy thì sẽ được gọi là vua phá lưới.

Tại nhiều giải bóng đá các quốc gia trên thế giới (nhất là ở châu Âu), vua phá lưới (còn gọi là cầu thủ giội bom) giải đó được tôn vinh như một anh hùng. Vậy cũng là phá, nhưng phá lưới lại là một hiện tượng đặc biệt, được mọi người trông đợi, đề cao và thán phục. Những ai hâm mộ bóng đá chắc vẫn chưa quên Harry Kane, cầu thủ của Đội tuyển Anh, là Vua phá lưới tại World Cup 2018 (tại Nga) với 6 bàn thắng.

Trở lại với từ phá cỗ. Đến Tết Trung thu, người ta thường bày biện một mâm cỗ để cúng trăng và tế trời đất (để cầu mong sự tốt lành cho mùa màng, sự đoàn viên, hạnh phúc cho mọi gia đình...). Mâm cỗ đặc biệt này bao gồm mọi sản vật sẵn có của mùa thu, lấy từ vườn nhà, như các loại hoa quả: hồng, chuối, na, bưởi... đã chín, được tỉa tót công phu. Tất nhiên phải có các loại bánh chỉ dành riêng cho Tết Trung thu: bánh nướng, bánh dẻo, bánh ngọt... làm theo hình các con vật (chim, cá, gà, vịt...).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xung quanh mâm cỗ là các loại đèn nến sáng trưng: đèn kéo quân, đèn lồng, đèn ông sư, đèn ông sao,... Trăng sao trên trời, đèn hoa dưới đất... đã tạo nên một khung cảnh đêm trung thu lung linh, huyền ảo. Theo phong tục, nhiều gia đình còn bày thêm hương hoa rồi thắp nhang khấn trời đất: Rằm tháng bảy lễ Vu lan, Rằm tháng tám để nhân gian thưởng nguyệt. Với người xưa, âm lịch (lịch tính theo mặt trăng) là một căn cứ để tế lễ trời đất và thờ cúng tổ tiên. Mồng một ngày rằm luôn được coi là những ngày “kỵ” của nhiều dân tộc phương Đông, trong đó có nước ta.

Trăng rằm sáng tỏ đã lên chênh chếch. Cỗ bàn bày biện đầy đủ. Rồi giây phút mỏi mắt mong chờ cũng đã đến. Xong các nghi thức cúng lễ và tổ chức các trò vui, mọi người quây quần lại và đồng thanh hô vang: Phá cỗ nào! Thế là người ta lần lượt dỡ bánh trái, hoa quả xuống, chia phần cho trẻ nhỏ và mọi người cùng thưởng thức.

Trăng thu mát dịu, trống ếch rộn ràng, lời ca điệu múa mênh mang làm cho buổi phá cỗ trông trăng càng thêm đậm đà, thi vị. Với các em ở nông thôn ta từ xưa đến nay, ngày Tết trông trăng phá cỗ như một sự kiện rất đặc biệt, thiêng lêng, đậm chất lễ hội và văn hóa dân gian.

Trăng trung thu, như mọi năm, lại sáng trên bầu trời. Nào tất cả chúng ta hãy hòa cùng với các em chung niềm vui “phá cỗ”.

Chị Hằng, chú Cuội trên trời

Làm gì có cỗ chung vui đêm rằm?

PGS-TS. Phạm Văn Tình

(Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/khong-phai-pha-luc-nao-cung-xau-36974.html