Không phải thiếu đơn hàng, đây mới là mối lo lớn nhất của ngành dệt may hiện nay

Tăng trưởng trên 10% trong 6 tháng đầu năm 2021 là tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên, xuất khẩu dệt may đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân phần lớn do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, khiến nhiều DN ngừng sản xuất, thiệt hại không nhỏ khi nguồn cung lao động không đáp ứng đủ theo các đơn hàng đã đặt.

Khó chồng khó

Vừa sản xuất, vừa chống dịch hiệu quả, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Đình Lập cho biết, đơn hàng đã nhận với đối tác đến hết năm 2021, khó khăn nhất với DN là vấn đề lao động. Hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và cách ly xã hội nên người lao động không thể đi làm, gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiến độ giao hàng. Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu không chỉ Trường Phúc, mà các DN cùng ngành khác khó có thể thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất kinh doanh.

 Trước khi dịch bùng phát, Công ty TNHH Trường Phúc có gần 1.000 công nhân, hiện còn khoảng 300 công nhân. Ảnh: Hoàng Anh

Trước khi dịch bùng phát, Công ty TNHH Trường Phúc có gần 1.000 công nhân, hiện còn khoảng 300 công nhân. Ảnh: Hoàng Anh

“Trường Phúc hiện còn gần 300 công nhân, với hạ tầng cơ sở có thể bố trí chỗ ăn, ngủ cho người lao động trực tiếp tại DN để đảm bảo chống dịch nhưng vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh. Tôi rất mong toàn bộ người lao động được tiêm vaccine để ổn định nguồn nhân lực, đảm bảo sản xuất liên tục và đáp ứng giao hàng đúng hẹn cho khách”, ông Nguyễn Đình Lập nói.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, ngay khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, DN đã kích hoạt đồng bộ công tác phòng chống dịch. Người lao động khi đến làm việc sẽ đi qua buồng khử khuẩn, đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn. Bên cạnh đó, điều chỉnh các ca làm việc theo khối sản xuất và khối văn phòng, điều chỉnh giờ ăn trưa để tránh tập trung quá nhiều người cùng một lúc.

“Tinh thần là làm triệt để, kiên quyết, yêu cầu cách ly F2 và thậm chí là F3 tại nhà. May 10 yêu cầu người lao động tuân thủ triệt để quy định 5K khi làm việc hay thậm chí là giải lao. Các bàn ăn đều sử dụng vách ngăn và giới hạn tối đa 4 người, trên bàn luôn có poster tuyên truyền để nhắc nhở người lao động về quy định phòng dịch”, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh.

Tất cả người lao động khi đến May 10 làm việc đều phải đi qua buồng sát khuẩn để phòng chống Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh

Tất cả người lao động khi đến May 10 làm việc đều phải đi qua buồng sát khuẩn để phòng chống Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh

Giải pháp vaccine doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho hay, đơn hàng dồi dào, nhưng nguy cơ của DN sản xuất không đúng tiến độ giao hàng là vô cùng lớn. Vị này cho biết, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã có ít nhất 45 DN dệt may phải tạm dừng sản xuất. Các DN dệt may có nhà máy dừng hoạt động đứng trước áp lực vừa "đội" chi phí sản xuất, vừa phải xoay tiền trả lương để giữ chân công nhân và nơm nớp đền bù khách hàng nếu không giao hàng đúng hẹn, hoặc phải đổi phương thức vận chuyển đắt hơn bằng đường hàng không để kịp thời gian giao hàng đối tác. "Một DN chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 - 21 ngày, coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ", ông Vũ Đức Giang thông tin.

Theo Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường, nhiều đơn vị có đơn hàng hết quý III, thậm chí quý IV. Ngành dệt may có nhiều cơ hội phục hồi hoàn toàn so với năm 2020, đưa mức tăng trở lại so với trước khi có đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, mối bận tâm của các DN dệt may hiện nay không phải là thêm đơn hàng, mà là làm sao để sản xuất kịp, giao hàng đúng hẹn cho đối tác.

Kiểm tra sản phẩm tại May 10. Ảnh: Hoàng Anh

Kiểm tra sản phẩm tại May 10. Ảnh: Hoàng Anh

Nỗi lo lớn nhất với DN ngành may lúc này là bị giãn cách kể cả ở khu không có DN trú đóng nhưng có người lao động ở, khiến công nhân không thể tới nhà máy làm việc. Nếu không đảm bảo nhân công phục vụ sản xuất, giao hàng đúng hạn DN sẽ bị phạt, hủy đơn hàng. Thiệt hại với ngành dệt may khi đó lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

Theo đánh giá, nếu các DN không giao được hàng đúng theo hợp đồng đã ký, tiền gia công không thể thanh toán được. Dòng tiền của DN sẽ bị "tắc", chỉ cần bị dừng sản xuất 2 tuần đến một tháng sẽ "quét sạch" trên 10% doanh thu. Vì thế, các DN dệt may lo lắng nhất là làm sao kịp tiến độ giao hàng.

Để đối phó với khó khăn, ông Lê Tiến Trường cho biết, các DN trong Tập đoàn kích hoạt phương án phòng dịch ở mức cao nhất, không lơi là chủ quan để vừa sản xuất an toàn, vừa phòng dịch Covid-19 hiệu quả, không để dịch tràn vào nhà máy.

Đại diện Vinatex cũng cho biết, ngoài việc nâng cao phòng dịch thì các DN mong muốn nhất là lúc đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho công nhân tại các khu công nghiệp, nhất là các DN tại một số địa phương đang là vùng dịch như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để DN có thể yên tâm sản xuất. Vinatex cũng đề xuất Chính phủ ưu tiên cho người lao động ngành này được tiêm vaccine sớm. Tập đoàn này dự kiến cần 300.000 liều vaccine để tiêm cho 150.000 lao động, nhưng hiện mới có khoảng 3.000 lao động được tiêm.

Nguyên Dương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-phai-thieu-don-hang-day-moi-la-moi-lo-lon-nhat-cua-nganh-det-may-hien-nay-426127.html