Không quá nhiều biến số khó lường, lạm phát năm 2024 sẽ 'hạ nhiệt'?

Trong năm 2024 dự báo lạm phát ở các nền kinh tế lớn bắt đầu hạ, giá hàng hóa thế giới đang thấp và khó tăng đột biến, kinh tế vĩ mô ổn định, cung hàng hóa dồi dào. Hơn nữa, cung tiền và tín dụng trong năm 2024 tăng trưởng không quá cao... Sẽ là những yếu tố giúp lạm phát năm 2024 nhiều khả năng giảm.

Tại báo cáo gửi đến hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024", được tổ chức ngày 4/1, các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự báo về chỉ số giá cả, thị trường cho năm 2024. Trong đó, nhiều chuyên gia nhận định chỉ số CPI và lạm phát sẽ nhiều khả năng có xu hướng giảm do kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thậm chí có thể rơi vào suy thoái.

CPI và lạm phát sẽ trong xu hướng giảm

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, lạm phát là điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2023. Ông dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022. So với cùng kỳ năm trước CPI tháng 12 tăng 3.58%. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm ngoái, đạt dưới ngưỡng chỉ tiêu của Quốc hội (4,5%).

Ổn định được thị trường giá cả ở nội địa, góp phần kiềm chế lạm phát.

Ổn định được thị trường giá cả ở nội địa, góp phần kiềm chế lạm phát.

Nguyên nhân kiểm soát lạm phát thành công, được chuyên gia này cho là nhờ có sự tổng hòa của các giải pháp như kiểm soát hiệu quả giá xăng, điện, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục; các gói hỗ trợ tài khóa của Chính phủ… Tuy nhiên, ông Long cho rằng chính sách tiền tệ giữ vai trò chủ đạo trong kiềm chế lạm phát đã phát huy hiệu quả khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành ngược chiều với chính sách tiền tệ của một số quốc gia trên thế giới. Năm 2023, khi các nền kinh tế trên Thế giới đều tăng lãi suất cho vay để giảm lạm phát thì NHNN giảm lãi suất điều hành 4 lần (từ mức 0,5 - 1,5%) nhằm giảm lãi suất cho vay, các NHTM cũng đã giảm mặt bằng lãi suất.

Trên nền của năm ngoái, các chuyên gia dự báo áp lực lạm phát trong năm 2024 sẽ không lớn nhờ lạm phát ở các nền kinh tế bắt đầu hạ, giá hàng hóa thế giới đang thấp và khó tăng đột biến, kinh tế vĩ mô ổn định, cung hàng hóa dồi dào. Hơn nữa, đồng USD đang trong xu hướng giảm giá. Đồng thời, cung tiền và tín dụng trong năm 2024 dự báo tăng trưởng không quá cao, tương đương mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019 - 2023.

Giá dầu là yếu tố tác động đến lạm phát cũng được dự báo trong năm 2024 sẽ không tăng, thậm chí có xu hướng giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Dự báo xoay quanh mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019 - 2023 là 67 USD/thùng.

Theo đó, ông Long dự báo CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở mức 3,5% - 3,6%. Mức lạm phát vẫn duy trì nằm trong kế hoạch mục tiêu của Quốc hội đề ra là 4%-4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp.

PGS.TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,2%-3,5%. Trong khi đó, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo lạm phát trung bình cả năm sẽ ở mức khoảng 3,0% (+/- 0,5%).

Tương tự, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) dự báo, CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,6-3,8%.

Cần tính toán kỹ việc điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ

Nhiều ý kiến cho rằng, chưa có nhiều yếu tố đáng ngại với mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% trong năm 2024, song các chuyên gia cho rằng cần cẩn trọng và có kịch bản ứng phó với những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.

Về phía các chuyên gia, khuyến nghị được đưa ra là phải đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, đặc biệt chú trọng công tác dự báo, phân tích, xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp. Trong đó, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Ngô Trí Long lưu ý cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, ổn định giá thành sản xuất để kiểm soát lạm phát.

Dưới góc nhìn của chuyên gia Vũ Vinh Phú, ông lưu ý về việc ổn định được thị trường giá cả ở nội địa, góp phần kiềm chế lạm phát. Chuyên gia này nhắc đến hiện tượng chênh lệch về giá cả giữa giá đầu ra của nhà sản xuất, người nông dân, các HTX nông nghiệp thì khá thấp, hay bị hòa vốn hoặc lỗ, trung gian và bán lẻ độc quyền hưởng lợi nhuận cao nhất, nhưng ở thị trường bán lẻ giá bán cho người tiêu dùng vẫn cao gấp 2-3 lần, vấn đề này xảy ra rất nhiều năm nay ở nhiều mặt hàng, nhiều địa phương.

Điển hình như các mặt hàng trong năm bao gồm: gà, vịt, thịt lợn, cam sành, thanh long, dưa hấu, bí xanh bí đỏ... Nguyên nhân chính vẫn là hàng hóa qua nhiều khâu trung gian lúc rộ thời vụ thu hoạch do không có kho dự trữ nên bị nhóm cơ hội lợi dụng ép giá. Mua bán trên thị trường chủ yếu là mua đứt, bán đoạn không thông qua sàn giao dịch hàng hóa, rất ít chuỗi cung ứng ngắn được thiết lập.

“Ranh giới giữa nhà buôn chân chính và gian thương rất mỏng manh, hiệu quả của công tác chống buôn lậu thương mại vẫn chưa được như mong muốn. Doanh nghiệp thật thà chân chính bị thua thiệt, gian thương có lợi to”, ông nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Phú cho rằng về sản xuất, cần xây dựng quy hoạch phát triển theo vùng một cách ổn định, sản xuất phải gắn với kho dự trữ và cơ sở chế biến sâu, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chống được tình trạng ép giá, tiêu thụ hàng hóa một cách chủ động theo chuỗi sản xuất phân phối của từng mặt hàng nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, trốn thuế để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, xử lý nghiêm, đủ sức răn đe với các tổ chức cá nhân vi phạm.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/khong-qua-nhieu-bien-so-kho-luong-lam-phat-nam-2024-se-ha-nhiet-1097688.html