Không quân Nhật trước áp lực bay chặn chiến đấu cơ Trung Quốc

Hôm 29-7, CNN dẫn phát biểu của viên phi công lái chiến đấu cơ của Nhật – đại tá Takamichi Shirota cho biết đất nước ông đang đứng trước áp lực ngày càng gia tăng trên bầu trời.

Các nhà phân tích quốc tế trong khi đó cho biết áp lực mà không quân Nhật đang phải đối diện đến từ “một vài quốc gia” gồm Nga và Trung Quốc.

Hơn 2 lần mỗi ngày, các phi công lái chiến đấu cơ của Nhật lại nghe còi hụ báo động vang lên, đó là lúc họ sẵn sàng ngồi vào buồng lái, xuất kích “con chim sắt” sẵn sàng bay chặn bất cứ chuyến bay xâm nhập nào của các đối thủ vào không phận Nhật Bản.

Tần suất báo động này ngày một tăng. Theo thống kê mới đây của Lực lượng phòng không Nhật Bản, kết thúc năm qua cho đến cuối tháng 3, có 947 lần họ phải bay chặn các vụ xâm nhập, trong hầu hết các vụ việc là để chặn máy bay đến từ quân đội Trung Quốc.

Đại tá Shirota nhận định số lần xâm nhập này có khả năng tăng thêm trong thời gian tới.

“Số vụ bay chặn ngăn các hành vi xâm phạm không phận tăng tên nhanh chóng trong vòng thập kỷ qua, đặc biệt là ở khu vực không phân phía tây nam của Nhật’ – vị đại tá này nói với CNN. Ông cho biết “Khoảng 70% số vụ ngăn chặn xâm nhập được tiến hành bởi lực lượng phòng không Nhật Bản diễn ra ở khu vực này”.

Khu vực không phận tây nam mà ông đề cập bao gồm khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang là điểm nóng tranh chấp với Trung Quốc. Đây là một nhóm đảo đá, không thích hợp để sinh sống nhưng tọa lạc ở vị trí địa chiến lược hiện đang do Nhật quản lý.

Đường màu đỏ biểu thị các lần chiến đấu cơ Trung Quốc quần thảo - Ảnh: đồ họa CNN

Đường màu đỏ biểu thị các lần chiến đấu cơ Trung Quốc quần thảo - Ảnh: đồ họa CNN

Khu vực không phận thường xảy ra các vụ xâm nhập này còn bao trùm cả quần đảo Okinawa, nơi đặt căn cứ không quân Kadena của Không lực Mỹ, nơi xuất kích các chuyến bay của Mỹ đến các vùng nước tranh chấp trên Biển Đông.

Mới đây Bộ quốc phòng Nhật vào tháng 3 đã công bố một bản đồ thể hiện các chuyến bay do chiến đấu cơ của Nga và Trung Quốc tiến hành, buộc phi công Nhật phải bay chặn. Trong bản đồ này, các chuyến bay của Trung Quốc hiển thị bằng màu đỏ, còn đường bay của máy bay Nga là màu cam. Máy bay Trung Quốc theo đó đã quần thảo ở biển Hoa Đông với tần suất dày đặc.

Theo Bộ quốc phòng Nhật, các chuyến bay của chiến đấu cơ Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế, trong 675 lần Nhật phải xuất kích bay chặn máy bay của Trung Quốc trong năm qua, không lần nào máy bay Trung Quốc bay trong khu vực 12 hải lý được quốc tế công nhận tính từ các thực thể địa lý thuộc lãnh thổ Nhật trên biển.

Tuy nhiên Bắc Kinh cũng nhiều lần nhấn mạnh sự hiện diện quân sự của họ ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là nằm trong các quyền bảo vệ chủ quyền của họ.

Trả lời CNN, Bộ ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Các chuyến bay bình thường thực hiện bởi quân đội Trung Quốc tuân thủ luật pháp và cách hành xử theo thông lệ quốc tế, không tạo ra đe dọa cho bất cứ quốc gia nào”.

Đại tá Shirota, chỉ huy 40 tuổi của Phi đội tiêm kích chiến thuật 204 tại căn cứ không quân Naha ở Okinawa, đã chỉ đạo các phi công của mình cảnh giác cao độ 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm, để ngăn các vụ xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

"Lực lượng phòng không là cơ quan duy nhất có thể bảo vệ không phận của Nhật Bản" - ông nhấn mạnh. “Mặc dù không có sự cố nổ súng nào với máy bay Trung Quốc, nhưng nhiệm vụ (bay chặn) luôn là một công việc căng thẳng” - Shirota nói.

"Chúng tôi luôn trong trạng thái chờ, cảnh giác trên mặt đất mọi lúc, trong tình trạng căng thẳng. Điều tương tự cũng xảy ra khi ở trên bầu trời. Chúng tôi luôn giữ tâm thế sẵn sàng cao độ. Bởi vì chúng tôi không bao giờ biết những gì chúng tôi sẽ phải đối mặt khi chúng tôi bay lên trời. Chúng tôi có thể thấy họ (máy bay Trung Quốc) rời đi, hoặc chúng tôi có thể phải đối mặt với chúng” – ông cho biết.

Tâm thế luôn sẵn sàng của các phi công Nhật Bản là đáng chú ý khi xem xét đến gánh nặng họ đang phải chịu. Không có lực lượng không quân phương Tây nào có thể sánh bằng Nhật Bản về số lần điều máy bay chiến đấu của họ bay chặn máy bay của địch thủ.

Các lực lượng không quân của 27 thành viên các nước Châu Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết hợp cùng nhau, đã bay chặn ít hơn một nửa số lần bay chặn vào năm ngoái so với Nhật Bản.

"Tôi có thể nói với bạn rằng trong khoảng thời gian 12 tháng của năm 2019, các máy bay phản lực của NATO đã bay trên bầu trời khoảng 430 lần để bay chặn hoặc nhận dạng trực quan các máy bay không xác định đã bay vào, gần hoặc hướng tới không phận của NATO"-Trung tá Michael Wawrzyniak - giám đốc phụ trách các vấn đề công cộng cho Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh ở Đức, nói với CNN.

Đại tá Takamichi Shirota - Ảnh: CNN

Đại tá Takamichi Shirota - Ảnh: CNN

Còn trên khắp Đại Tây Dương, các máy bay chiến đấu của Mỹ và Canada dưới sự chỉ huy của NORAD, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Vũ trụ Bắc Mỹ, trung bình chỉ có 7 lần bay chặn máy bay Nga vào năm 2007, theo thông tin từ Đại úy Cameron Hillier, người phát ngôn của NORAD và Bộ Tư lệnh Miền Bắc của Mỹ ở bang Colorado cho biết. Trong một số năm, các máy bay chiến đấu của Mỹ và Canada đã không phải bay chặn lần nào.

Nhật Bản thì không có thời gian để nghỉ ngơi như vậy. So sánh cùng khung thời gian năm 2007 như NORAD, ngay cả trong năm ít vụ việc xảy ra nhất là năm 2009, Nhật Bản cũng đã phải tiến hành 200 lần xuất kích bay chặn chiến đấu cơ.

CNN dẫn lời chuyên gia phân tích Peter Layton, cựu phi công của Không quân Hoàng gia Úc hiện công tác Viện Griffith Châu Á, tin rằng áp lực mà Trung Quốc gây ra cho Nhật Bản bằng đường hàng không là một phần của kế hoạch lớn hơn.

"Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giữ cho Lực lượng phòng không Nhật Bản phải liên tục bay phản ứng, làm hao mòn máy bay và sức lực phi hành đoàn của họ, duy trì áp lực hằng ngày đối với Nhật là bên đang quản lý quần đảo Điếu Ngư/Senkaku”.

Trong một bài bình luận năm ngoái, Layton chỉ ra "Phi đội phòng không của Nhật gồm khoảng 215 chiế F-15J phải đảm đương nhiệm vụ bay chặn. Kể từ năm 2016, họ thường xuất kích 4 chiếc cho mỗi lần bay chặn. Điều đáng lo ngại là Trung Quốc có số lượng máy bay chiến đấu gấp 6 lần so với lực lượng phòng không của Nhật, và có thể tăng cường xâm nhập bất cứ khi nào Bắc Kinh thấy thích hợp”.

Tokyo giờ đây không có đường lùi. Tuy nhiên Layton cho rằng: “Người Nhật tin họ cần phải xuất kích bay chặn mọi lúc để đối phương nhục chí trong việc đòi chủ quyền”.

Nhật Bản đang đẩy mạnh các phản ứng của mình trước các mối đe dọa có thể có của Trung Quốc.

Một quan chức của Bộ Quốc phòng Nhật cho biết các máy bay chiến đấu của Nhật Bản hiện xuất kích ngay khi có dấu hiệu chứ không đợi cho đến khi máy bay Trung Quốc hướng tới không phận Nhật Bản.

Dàn chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản - Ảnh: Getty

Dàn chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản - Ảnh: Getty

Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2020 được xuất bản trong tháng 7, Tokyo đã ghi nhận áp lực được Bắc Kinh tạo ra xung quanh quần đảo Senkaku.

Sách Trắng nhấn mạnh: "Trung Quốc đã không ngừng tiếp tục những nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng bằng cách gây sức ép lên các khu vực biển xung quanh quần đảo Senkaku, dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng. Hải quân và Không quân Trung Quốc trong những năm gần đây đã mở rộng và tăng cường các hoạt động của họ ở các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản, và có những trường hợp liên quan đến hoạt động leo thang một từ một phía”.

Sách Trắng quốc phòng của Nhật cho biết những năm qua Tokyo đang nỗ lực hành động để đáp ứng thách thức này, với các máy bay chiến đấu mới, được dự kiến đưa vào biên chế như chiến đấu cơ tàng hình F-3, đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Nhật Bản cũng đã bắt đầu nhận máy bay tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ thiết kế, được coi là tốt, hoặc tốt hơn bất cứ thứ gì Trung Quốc có vào lúc này.

Một chiếc máy bay ném bom H-6 do chiến đấu cơ Nhật chụp

Một chiếc máy bay ném bom H-6 do chiến đấu cơ Nhật chụp

Nhưng F-3 còn xa mới đạt được đẳng cấp của F-35 sẽ không thuộc loại có thể mang lại lợi thế lớn so với Trung Quốc. Vì vậy, gánh nặng sẽ tiếp tục đặt lên vai Shirota và các phi công đồng nghiệp. "Nhật Bản được bao quanh bởi biển. Vì vậy, chúng tôi phải đối phó với các cuộc xâm lược đến từ đại dương hoặc bầu trời. Nếu cuộc xâm lược đến từ trên không, nó sẽ xảy ra rất nhanh. Vì thế hoạt động phòng không ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ lãnh thổ cũng như tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản" - Shirota nhấn mạnh.

Ông cũng chia sẻ niềm tự hào: "Tôi hết lòng phục vụ với tư cách là một sĩ quan phòng không với ý chí mạnh mẽ để bảo vệ Nhật Bản”.

Anh Duy (Theo CNN)

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/quoc-te/quan-su/khong-quan-nhat-truoc-ap-luc-bay-chan-chien-dau-co-trung-quoc_96699.html