Không quân Ukraine chịu tổn thất chưa từng có sau khi bị Iskander-M tấn công

Vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga đã khiến Ukraine mất nhiều chiến đấu cơ quan trọng và làm cho giới chỉ huy không quân của nước này bị chỉ trích gay gắt.

Cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào Căn cứ Không quân Mirgorod Ukraine, nằm cách biên giới Nga - Ukraine 160 dặm vào đêm 30/6 rạng sáng 1/7, đã gây ra thiệt hại nặng cho Không quân Ukraine.

Hai chiếc máy bay Su-27 đã bị phá hủy tại chỗ và hai chiếc khác bị hư hỏng nghiêm trọng. Phía Nga đã sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M trong cuộc tấn công và sự kiện này được cho là tổn thất lớn nhất của Không quân Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột.

Các phi công Ukraine vẫn đánh giá cao Su-27, so về tổng thể thì khả năng của chiến đấu cơ này vẫn vượt trội hơn F-16 do Mỹ viện trợ, tuy nhiên số lượng của Su-27 ở Ukraine và các quốc gia phương Tây là không nhiều, vì vậy khả năng bổ sung cho những tổn thất trong chiến đấu là rất khó.

Su-27 được Liên Xô phát triển nhằm đối trọng với chiến đấu cơ F-15 của Mỹ và vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Su-27 được các chuyên gia đánh giá là chiếc máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không hàng đầu thế giới. So với F-16, MiG-29 và Su-24 có trong biên chế của Ukraine hiện nay thì Su-27 có tầm bay xa hơn, radar lớn hơn, mang được nhiều vũ khí hơn và khả năng cơ động cao ở mọi tốc độ.

Căn cứ Không quân Mirgorod, Ukraine sau vụ tấn công.

Căn cứ Không quân Mirgorod, Ukraine sau vụ tấn công.

Bình luận về cuộc tấn công, Forbes đưa tin rằng “rất có thể đây là tổn thất lớn nhất đối với lực lượng không quân Ukraine, tính từ khi Nga bắt đầu mở rộng cuộc xung đột vào tháng 2/2022”, đồng thời tờ báo cũng đưa tin rằng “các blogger quân sự Ukraine đã vội vàng đổ lỗi cho các sĩ quan không quân của họ, khi để những chiếc Su-27 nằm ngoài trời tại một căn cứ gần tiền tuyến như vậy".

Một số ý kiến thậm chí còn suy đoán rằng, việc để máy bay ở vị trí dễ bị tấn công có thể là chủ ý, nhằm tăng áp lực lên các nước phương Tây đang ủng hộ Ukraine, để đẩy nhanh việc giao máy bay F-16.

Mặc dù Su-27 cần đường băng dài hơn và nhu cầu bảo dưỡng cao hơn so với MiG-29, nhưng so với các máy bay chiến đấu của phương Tây như F-16, chiếc máy bay này vẫn có thể dễ dàng hoạt động từ các sân bay tạm thời, đây là chìa khóa quan trọng để Su-27 vẫn tiếp tục cất cánh và chiến đấu.

Một số chuyên gia lại cho rằng, vụ tấn công vào căn cứ không quân Mirgorod đã làm dấy lên nghi ngờ rằng, Nga có thể đang tìm cách ngăn chặn việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16 và Mirage 2000 từ các quốc gia châu Âu, bằng cách chứng minh tính dễ bị tổn thương của bất kỳ cơ sở nào mà chúng được triển khai ở Ukraine.

Su-27 của Ukraine.

Su-27 của Ukraine.

Su-27 vẫn đang giữ vị trí quan trọng trong Không quân Ukraine, trong khi đó, các phiên bản nâng cấp của máy bay này, được tăng cường hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và vật liệu composite hiện đại, cũng đang là xương sống chính của lực lượng Không quân Nga.

Các máy bay chiến đấu như Su-30SM và Su-35 của Nga, đã khiến những chiếc chiến đấu cơ có từ thời Liên Xô trong biên chế Ukraine gặp bất lợi đáng kể. Điều này đã dẫn đến những tổn thất áp đảo cho các phi đội Su-27 Ukraine trong các trận không chiến với Không quân Nga.

Tuy nhiên, Su-27 của Ukraine vẫn thể hiện được sự hiệu quả trong vai trò là bệ phóng cho tên lửa hành trình. Vào tháng 5/2023, việc lắp đặt tên lửa Storm Shadow của Anh lên Su-27 đã được xác nhận, điều này giúp cho Ukraine có thể tiến hành các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ sẽ cung cấp thêm Su-27 cho Ukraine, bởi quốc gia này đã từng mua một số chiếc Su-27 từ Ukraine và nước láng giềng Belarus vào những năm 1990 để nghiên cứu khả năng của chúng. Tuy nhiên, những dấu hiệu từ Washington và Kiev về mong muốn chuyển đổi các hệ thống vũ khí của nước này theo tiêu chuẩn của NATO, có thể làm giảm khả năng như vậy.

Lê Hưng (Military Watch)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khong-quan-ukraine-chiu-ton-that-chua-tung-co-sau-khi-bi-iskander-m-tan-cong-ar882482.html