Nếu các lực lượng mặt đất được tái trang bị một phần và tăng cường khả năng chiến đấu nhờ cuộc chiến ở Donbass, bao gồm cả nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Mỹ và NATO, thì với Không quân Ukraine, mọi thứ lại khác.
Chuyên gia phân tích người Mỹ Sebastien Roblin của tạp chí National Interest (NI) tin rằng việc hiện đại hóa hàng không quân sự Ukraine chắc chắn sẽ bị trì hoãn, quy mô sẽ không thể so sánh với việc nâng cấp lực lượng mặt đất.
Cụ thể theo kế hoạch của giới lãnh đạo Ukraine, vào giai đoạn 2023 - 2025. Kiev cần phải mua từ 6 đến 12 máy bay hiện đại để đào tạo phi công, đặt nền móng cho công cuộc hiện đại hóa.
Tiếp theo, trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, họ sẽ mua thêm 30 máy bay nữa nhằm thay thế các chiến đấu cơ MiG-29 và Su-27 sản xuất từ thời Liên Xô hiện vẫn còn được biên chế trong Không quân Ukraine.
Ngoài ra các nhà chức trách Ukraine dự kiến sẽ mua thêm máy bay vận tải hạng trung trong tương lai, họ dự kiến chi 1,43 tỷ USD để thực hiện mục tiêu này, nhưng thời hạn còn khá xa - vào khoảng giai đoạn từ năm 2027 đến 2035.
Vấn đề chính khiến tình hình của Không quân Ukraine lúc này có thể được gọi là nghiêm trọng nằm ở sự lỗi thời của phi đội máy bay chiến đấu chủ lực và thiếu kinh phí để đổi mới cho chúng.
Hiện Mỹ và Pháp đang tích cực thuyết phục Kiev mua những tiêm kích tiên tiến do nước này sản xuất. Ở mức độ lớn, điều này được thực hiện nhằm loại trừ khả năng Trung Quốc mua lại doanh nghiệp Motor Sich.
Tuy nhiên Ukraine không thể mua được những chiếc Rafale với số lượng đủ lớn vì giá thành đắt đỏ: toàn bộ ngân sách hàng năm của Không quân Ukraine chỉ có thể được chi cho việc mua 3 máy bay như vậy.
Và sau tất cả, những tiêm kích tối tân trên cần được bảo dưỡng, đào tạo phi công, chưa kể số vũ khí công nghệ cao đi kèm, hơn nữa số lượng 3 máy bay là quá nhỏ nhoi khi đặt cạnh Không quân Nga hùng hậu.
Chuyên gia Sebastien Roblin đã liệt kê những mẫu máy bay có thể phù hợp với hàng không quân sự Ukraine ở giai đoạn tồn tại hiện nay, đó là các máy bay cảnh báo sớm E-2, tiêm kích F-15 hoặc F-16 của Mỹ. Tuy nhiên tiêm kích F-15 tỏ ra đắt đỏ chẳng kém Rafale.
Một lựa chọn khác là tiêm kích hạng nhẹ JAS-39 Gripen-E của Thụy Điển, nhưng Stockholm chưa chắc có thể gây ảnh hưởng đến Kiev để Ukraine mua máy bay của họ chứ không phải từ Mỹ hay Pháp.
Đồng thời nhiều chuyên gia phương Tây bày tỏ sự nghi ngờ không chỉ liên quan đến việc Ukraine sẽ có thể hiện đại hóa Lực lượng Không quân của mình mà còn về khả năng hiện đại hóa một cách hiệu quả.
Đây có thể là một chủ trương vô nghĩa, bởi vì Kiev sẽ không thể cạnh tranh với Nga về số lượng máy bay trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cái họ cần là cuộc chiến phi đối xứng chứ không phải đối đầu trực diện.
Trong hơn 30 năm qua, Ukraine thực tế không tham gia vào việc phát triển lực lượng không quân của riêng mình. Không chỉ máy bay đã trở nên lỗi thời, mà tất cả cơ sở hạ tầng liên quan, hỗ trợ kỹ thuật, hệ thống đào tạo phi công và nhân viên kỹ thuật đều xuống cấp.
Nhưng ngay cả khi điều kỳ diệu xảy ra và Kiev nhận được tiền để mua số lượng lớn máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ hoặc Pháp, phi cơ của họ vẫn dễ bị tổn thương trước Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, chuyên gia Roblin kết luận.
Bạch Dương