Không quên bệnh nhân nghèo

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa tiếp nhận, điều trị ung thư trực tràng cho một bệnh nhân Indonesia.

Bệnh nhân này là bác sĩ, sau khi tìm hiểu kỹ đã quyết định đến Việt Nam chữa bệnh và hoàn toàn hài lòng khi được phẫu thuật, điều trị với phác đồ tối ưu, chất lượng dịch vụ tốt.

Trường hợp nói trên chỉ là một trong hàng trăm nghìn người nước ngoài đến nước ta để khám, điều trị bệnh hằng năm. Theo số liệu của Bộ Y tế, với thế mạnh nhiều kỹ thuật y tế đạt trình độ khu vực, quốc tế và giá cả phải chăng, mỗi năm, các cơ sở y tế trong nước tiếp nhận khoảng 300.000 bệnh nhân nước ngoài. Con số này đang ngày càng tăng từ khi triển khai Đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Thu hút bệnh nhân người nước ngoài đến khám, điều trị vừa góp phần nâng cao vị thế, uy tín cho ngành y của Việt Nam, vừa làm đẹp hình ảnh quốc gia, đồng thời mang ngoại tệ về cho đất nước. Mặt khác, "giữ chân” người Việt Nam khám, chữa bệnh chất lượng cao ở trong nước cũng sẽ giúp cơ sở y tế tăng nguồn thu, cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên. Bởi vậy, đây là việc làm rất cần thiết. Theo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 6 bệnh viện trên cả nước sẽ được đầu tư nâng cấp ngang tầm quốc tế; nhiều bệnh viện khác cũng đã và đang được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút bệnh nhân nước ngoài cũng như bệnh nhân người Việt Nam có thu nhập cao.

Nhưng việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe không thể chỉ vì mục đích kinh tế, càng không thể chỉ hướng đến những bệnh nhân “có tiền” mà “bỏ quên” số đông còn lại, nhất là người bệnh nghèo. Bởi vì y tế là một trong những lĩnh vực thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Vì vậy, thật khó chấp nhận nếu để xảy ra tình trạng phân biệt đối xử, mất bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ.

Hiện nay, mặc dù ngành y và cơ quan quản lý ngành y cũng đã có nhiều cố gắng, nhưng ở nhiều bệnh viện vẫn đang xuất hiện "khoảng cách" khá lớn về chất lượng dịch vụ. Ở các khu điều trị chất lượng cao, điều trị theo yêu cầu thì buồng bệnh rộng rãi, tiện nghi, dịch vụ rất tốt. Ngược lại ở các khu điều trị thông thường dành cho bệnh nhân không có điều kiện kinh tế thì họ phải nằm chen chúc 2-3 người/giường, thậm chí nằm ngoài hành lang, dịch vụ thiếu chu đáo...

Đây là biểu hiện của việc chưa giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng, an sinh xã hội, cần phải sớm khắc phục. Trước mắt là cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng của hệ thống bệnh viện; thực hiện nghiêm quy định không bố trí quá 20% tổng số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu; các chuyên gia, thầy thuốc giỏi phải dành tối thiểu 70% thời gian để khám, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế... theo Thông tư số 13/2023/TT-BYT ngày 29-6-2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thu hút bệnh nhân có tiềm lực vào khám, chữa bệnh chất lượng cao, mang lại nhiều lợi ích là việc cần làm, song điều này chỉ thực sự có ý nghĩa khi không bệnh nhân nghèo nào bị “bỏ lại phía sau”!

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-quen-benh-nhan-ngheo-785665