Không quên lời hứa!

'Thực hiện lời hứa này, báo cáo đại biểu, tôi không quên đâu ạ!'. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung khi trả lời chất vấn của đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) về lương hưu đối với người nghỉ hưu trước năm 1995, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc cuối tuần qua.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã bàn vấn đề này. Trong suốt thời gian qua, thực hiện lời hứa với đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực chuẩn bị và dự kiến Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh tăng lương hưu với người nghỉ hưu trước năm 1995 ngay từ ngày 1-1-2022 thay vì từ thời điểm 1-7-2022 như dự kiến... Việc "không quên lời hứa" của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH được dư luận đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây là một trong những hình thức giám sát của Quốc hội, thông qua đó các "tư lệnh ngành" thực hiện trách nhiệm giải trình trước ĐBQH và cử tri cả nước về những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý mà dư luận quan tâm. Kết quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có thể là nhiều vấn đề được làm sáng tỏ, nhiều vướng mắc được tháo gỡ, nhiều quyết sách được thúc đẩy thực thi hoặc đơn giản chỉ là một lời hứa của người trả lời chất vấn.

Thực tế thời gian qua cho thấy, phần lớn các "tư lệnh ngành" sau khi hứa đều rốt ráo tìm cách thực hiện, đem lại sự hài lòng cho đại biểu, cử tri và nhân dân, như trường hợp giải quyết vấn đề lương hưu của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói trên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn tình trạng vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan mà lời hứa chưa được thực hiện hoặc thực hiện một cách hình thức, không đem lại hiệu quả thực chất.

Là người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, việc hiện thực hóa lời hứa trước hết là nghĩa vụ, trách nhiệm trước ĐBQH, trước cử tri và đất nước, đồng thời khẳng định tâm huyết, tài năng, bản lĩnh và uy tín của các "tư lệnh ngành". Đó chính là động lực quan trọng nhất thôi thúc người đứng đầu bộ, ngành thực hiện lời hứa sau khi trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, Quốc hội có thể ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sau kỳ họp. Mong rằng việc ban hành nghị quyết sẽ ngày càng nền nếp, hiệu quả, trong đó nêu rõ trách nhiệm của người được chất vấn, làm cơ sở cho việc ĐBQH và cử tri, nhân dân cả nước giám sát sau chất vấn.

Cùng với giám sát sau chất vấn, nếu tạo được áp lực trách nhiệm thì chắc chắn sẽ thúc đẩy các “tư lệnh ngành” nỗ lực thực hiện lời hứa. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải có những phiên thảo luận tại Quốc hội về việc tín nhiệm theo các quy định hiện hành. Đáng chú ý, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Trong đó có quy định cán bộ bị miễn nhiệm khi "có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định"...

Mỗi kỳ họp Quốc hội khép lại, đồng thời mở ra việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn. Cử tri và nhân dân cả nước luôn mong muốn được nghe những lời khẳng định: "Tôi không quên lời hứa. Tôi đã thực hiện lời hứa!".

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-quen-loi-hua-677435