Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã gửi báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải, đề xuất các giải pháp khắc phục những điểm xung yếu xuống cấp. Trong đó, Cục đề xuất lập dự án cải tạo, sửa chữa cầu Long Biên (tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) và cầu Phú Lương (tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng).
Cầu Long Biên (Hà Nội) được xây dựng với làn dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6 m và luồng đi bộ 0,4 m.
Tại vị trí đầu cầu Long Biên phía quận Long Biên xuất hiện tình trạng đường ray bị cong vênh, biến dạng.
Nhiều thanh ray đã bị biến dạng, cong oằn cùng với đó là nhiều ốc vít bị lỏng, xô lệch tà vẹt, ván đệm.
Hiện tượng đường ray bị cong vênh, biến dạng xuất hiện tại nhiều vị trí trên cầu nhiều tuổi nhất ở Thủ đô.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, trải qua khai thác hơn 120 năm, hiện cầu Long Biên đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm cải tạo sửa chữa để đảm bảo an toàn chạy tàu.
Theo phương án sửa chữa, sẽ thay mới, gia cố hệ dàn chủ, hệ dầm mặt cầu, hệ liên kết dọc dưới đối với hệ dầm Pháp; chống gỉ cho mặt trên mạ thượng, vị trí tiếp giáp đáy tà vẹt trên nhịp T66 đối với hệ dầm T66.
Cầu Long Biên sẽ được thay thế một số bộ phận tại kết cấu chống đỡ, thân trụ phụ bằng thép đã bị gỉ; gia cố, sửa chữa và chống gỉ kết cấu hệ cọc thép tại các trụ phụ trên cầu.
Không chỉ hệ thống đường ray bị hư hỏng, hiện nay phần mặt cầu dành cho xe cơ giới đã xuống cấp ở nhiều vị trí, mặt đường xuất hiện nhiều ổ gà lồi lõm gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Nhiều đoạn lan can cầu gỉ sét, đứt gãy phải gia cố tạm bợ.
Một đoạn mối nối dưới gầm cầu Long Biên phía quận Hoàn Kiếm đã bị gỉ sét ăn mòn, mất khả năng chịu lực.
Cầu Long Biên được xây dựng từ năm 1899, hoàn thành vào năm 1902. Cây cầu có kết cấu dàn thép dài 1,6 km gồm 19 nhịp. Trải qua hai cuộc chiến tranh, cầu Long Biên chỉ còn lại 9 nhịp ở phía Hà Nội và 3,5 nhịp phía Gia Lâm giữ được kiểu dáng cũ, các nhịp khác được thay thế bởi nhịp dầm T66 hoặc nhịp dầm YUKM.
Năm 2014, Thủ tướng đã giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư dự án khôi phục cầu Long Biên, giai đoạn một là gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2025 với tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng.
Năm 2023, công trình đã được kiểm định đánh giá sự làm việc của kết cấu. Kết quả: Kết cấu đủ điều kiện khai thác với tải trọng đầu máy D19E + 4 toa 3,6T/m + đoàn toa 4,2T/m, tốc độ v=15km/h.
Theo đơn vị kiểm định, cần nghiên cứu các phương án sửa chữa, gia cố kết cấu công trình để hạn chế phát triển các hư hỏng gây xuống cấp công trình, đảm bảo an toàn chạy tàu.
Vì vậy, Cục Đường sắt Việt Nam kiến nghị đánh giá hiện trạng kỹ lưỡng và xem xét khả năng đầu tư dài hạn để đảm bảo an toàn khai thác với nguồn vốn đầu tư phát triển trước khi tuyến đường sắt đô thị số một Hà Nội triển khai và khi chưa triển khai tuyến đường sắt vành đai phía Đông.
Việt Linh