Không ranh giới trong xử lý vi phạm

Công tác phối hợp giữa các địa bàn cần nhuần nhuyễn hơn. Đó không chỉ là phối hợp trên thực địa mà còn là trong thông tin, hồ sơ…

Phóng sự điều tra "Có hẳn đoàn tàu không số hiệu trên sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng" của Báo Người Lao Động đăng đầu tuần qua đã phản ánh dấu hiệu khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai (địa phận 2 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng) và hồ Dầu Tiếng (thuộc 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương).

Đoàn tàu không số hiệu trên sông Đồng Nai

Đoàn tàu không số hiệu trên sông Đồng Nai

Ngành chức năng ở những địa phương trên đã nhanh chóng phản hồi và vào cuộc. Đến cuối tuần, những chỉ đạo kiểm tra, xử lý đã có; một số doanh nghiệp xuất hiện trong phóng sự được mời làm việc.

Đó là những động thái rất khẩn trương. Tuy nhiên, với những dữ liệu đầy đủ từ loạt bài mà tới nay, chân tướng thủ phạm vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền làm rõ, những kẻ kiếm tiền thông qua hút cát phi pháp dưới đáy sông chưa được chỉ đích danh… thì khá khó hiểu so với kỳ vọng vụ việc được nhanh chóng sáng tỏ.

Một trong nhiều khó khăn, theo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước, là do yếu tố "giáp ranh". Theo đó, người vi phạm ở địa bàn tỉnh này có thể chạy sang địa bàn tỉnh khác để tránh truy đuổi.

Nhìn rộng ra, không chỉ dưới nước mà trên bộ, "giáp ranh" là yếu tố gây khó khăn trong quá trình tiếp cận, bắt quả tang của lực lượng thi hành công vụ, đồng thời được đối tượng vi phạm lợi dụng triệt để. Thông tin từ các cuộc họp của công an nhiều địa phương lâu nay đã cho thấy điều đó.

Để hóa giải thủ đoạn lẩn trốn của những kẻ vi phạm nói chung, của cá nhân, tổ chức trong loạt phóng sự điều tra nêu trên nói riêng, công tác phối hợp giữa các địa bàn cần phải nhuần nhuyễn hơn. Đó không chỉ là phối hợp trên thực địa mà còn là trong thông tin, hồ sơ…

Ngọc Kỳ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-ranh-gioi-trong-xu-ly-vi-pham-196240317213736084.htm