'Không sợ sai' ở Phú Thọ

Cuối cùng thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã đồng ý chủ trương tuyển dụng đặc cách giáo viên mầm non hợp đồng thuộc đối tượng điều chỉnh của công văn 5378 của Bộ Nội vụ (vấn đề mà báo Tiền Phong đã nêu trong những ngày cuối tháng 7/2023).

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu đã đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Giáo dục& Đào tạo lên danh sách toàn bộ giáo viên mầm non hợp đồng từ năm 2015 trở về trước có đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó trình UBND tỉnh xem xét tuyển dụng đặc cách theo đúng tinh thần của Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ.

Tôi từng được gặp những giáo viên mầm non hợp đồng ở huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ) dạy ở trường cách nhà 35 cây số. 10 năm qua, mỗi ngày cô giáo ấy phải trải qua 70 km đường đèo bằng xe máy để hoàn thành sứ mệnh trồng người nơi rẻo cao. Lại có những cô giáo làm mẹ đơn thân, ở trong căn nhà trọ chật chội, nuôi 2 con nhỏ trong đó đứa con đầu 13 tuổi bị bạo bệnh đã nhiều năm.

Cứ tối đến, sau khi từ lớp học trở về, mặc cho 2 đứa trẻ trông coi nhau, chị lại phải tới một khách sạn nhỏ của thị trấn giặt giũ chăn ga để có thu nhập thêm những mong trang trải cuộc sống, nhiều hôm tận khuya mới về. Khó khăn là vậy nhưng ngọn lửa yêu trẻ, yêu nghề trong những cô giáo ấy chưa bao giờ nguội tắt. Ước mơ được đứng chân trong biên chế của ngành giáo dục đối với họ vì thế mà càng mãnh liệt hơn, nhất là khi hằng năm không dễ dàng có chỉ tiêu viên chức đưa về địa phương.

Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm ở Phú Thọ về tận Hà Nội gửi tâm thư đến Bộ Nội vụ mong muốn Phú Thọ thực hiện công văn 5378 của Bộ này đối với họ ảnh: N.Q

Nhiều giáo viên mầm non hợp đồng lâu năm ở Phú Thọ về tận Hà Nội gửi tâm thư đến Bộ Nội vụ mong muốn Phú Thọ thực hiện công văn 5378 của Bộ này đối với họ ảnh: N.Q

Ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ có Công văn 5378 yêu cầu tuyển dụng đặc cách giáo viên có hợp đồng từ năm 2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm bắt buộc. Nhiều địa phương sau đó đã triển khai quyết liệt việc tuyển dụng đặc cách giáo viên, đáp ứng được niềm mong mỏi của bao cô giáo nghèo, nhất là ở những vùng kinh tế còn khó khăn.

Thế nhưng tại Phú Thọ thì chưa, ít nhất là với giáo viên mầm non. Năm 2023, Phú Thọ nhận được chỉ tiêu biên chế 816 giáo viên mầm non. Thay vì thực hiện theo tinh thần Công văn số 5378, Sở Nội vụ tỉnh này lại tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch xét tuyển giáo viên mầm non mà không đả động đến Công văn 5378. Lý do được đưa ra không chính thức từ một cán bộ có trách nhiệm ở sở này là công văn 5378 chỉ là văn bản hành chính, không phải văn bản quy phạm pháp luật, trong khi Nghị định 115 về tuyển dụng viên chức đã ra đời.

Thực tế, công văn 5378 đúng là văn bản hành chính, nhưng nó chứa đựng một chủ trương lớn, rất nhân văn của Bộ Chính trị đối với những bất cập về biên chế giáo viên mà trong chính văn bản hành chính này đã viện dẫn. Bản thân Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ thừa hành chủ trương của Bộ Chính trị, ý kiến của Thủ tướng. Nhẽ nào Sở Nội vụ Phú Thọ không biết điều đó(?!). Chính nội dung tham mưu lạnh lùng xét tuyển của Sở Nội vụ nói trên đã gây tâm lý hoang mang trong đại bộ phận giáo viên mầm non hợp đồng đã lâu năm gắn bó với nghề ở vùng miền núi khó khăn.

Trong bối cảnh ấy, ý kiến chỉ đạo tuyển dụng đặc cách của Bí thư tỉnh ủy Phú Thọ được xem là quyết sách hợp lòng dân. “Quyết sách này còn vô hiệu hóa cơ hội của những kẻ bất lương, suy thoái tư tưởng đạo đức lối sống nếu họ có ý định kiếm chác từ đợt tuyển dụng viên chức giáo viên mầm non lần này.”

Nó như một luồng gió mát hướng tới những thân phận giáo viên mầm non hợp đồng quanh năm vất vả. Ông nói rằng “chúng ta phải có trách nhiệm với hơn 800 giáo viên mầm non diện hợp đồng này, chúng ta quyết việc này là vì sự nghiệp chung, vì người dân, vì đội ngũ giáo viên, và không sợ trách nhiệm”. Đây cũng là minh chứng sinh động nhất trước yêu cầu khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cơ quan hành chính nhà nước ở nhiều địa phương hiện nay.

Ngân Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-so-sai-o-phu-tho-post1556722.tpo