Không sử dụng Atlat, thí sinh vẫn làm bài tốt
HNN - Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 có nhiều điều chỉnh đáng chú ý; trong đó, việc không cho phép thí sinh sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam trong phòng thi là một thay đổi lớn.

Học sinh Trường chuyên Quốc học - Huế sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Quy định mới này khiến nhiều học sinh cảm thấy lo lắng, bởi từ lâu Atlat đã được xem là công cụ hỗ trợ trực quan và hiệu quả trong quá trình làm bài. Tuy nhiên, nếu ôn tập hợp lý và rèn luyện kỹ năng đúng cách, thí sinh hoàn toàn có thể thích nghi và đạt kết quả cao.
Theo cô Lâm Thị Phương Ngọc, Tổ trưởng chuyên môn tổ Địa - Công Dân, Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế, khi không được sử dụng Atlat, học sinh cần thay đổi cách học và cách làm bài. Việc nắm chắc kiến thức lý thuyết, hiểu bản chất các mối quan hệ địa lý và biết cách xử lý dữ liệu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cấu trúc đề thi hiện nay gồm 3 phần chính: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn (18 câu), trắc nghiệm đúng/sai (4 câu) và trắc nghiệm trả lời ngắn (6 câu). Mỗi dạng đều yêu cầu học sinh phải có kỹ năng làm bài khác nhau, từ khả năng xác định từ khóa, loại trừ phương án sai cho đến đọc hiểu số liệu và tính toán chính xác.
Phần trắc nghiệm nhiều lựa chọn chiếm tỷ lệ lớn trong đề thi. Học sinh cần tập trung vào việc nhận diện từ khóa trong câu hỏi để định hướng nội dung, từ đó chọn ra đáp án đúng. Với dạng đúng sai, thí sinh phải đọc kỹ đoạn thông tin cho sẵn, xác định đơn vị kiến thức chính và đối chiếu để đưa ra nhận định phù hợp. Trong khi đó, phần trả lời ngắn thường yêu cầu tính toán, học sinh dễ mắc lỗi nếu không nắm chắc công thức, quên đổi đơn vị hoặc làm tròn sai. Những lỗi tưởng chừng nhỏ này có thể khiến thí sinh mất điểm đáng tiếc.
Không có Atlat, học sinh dễ gặp khó khăn khi phải ghi nhớ các kiến thức liên quan đến đặc điểm phân bố khoáng sản, khí hậu, dân cư, đơn vị hành chính hay vùng kinh tế. Đây đều là những nội dung vốn được thể hiện trực quan trên bản đồ trong Atlat. Vì vậy, học sinh cần chủ động hệ thống hóa kiến thức bằng các phương pháp khác như vẽ sơ đồ tư duy, sử dụng bản đồ trong sách giáo khoa và tự luyện tập để nhớ vị trí địa lý theo cách riêng.
Một điểm tựa khác mà học sinh có thể tận dụng là biểu đồ và bảng số liệu. Trong đề thi, dạng bài này thường xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như nhận diện biểu đồ, xác định nội dung biểu đồ thể hiện, xử lý số liệu hay kết hợp biểu đồ với kiến thức bài học. Học sinh cần rèn kỹ năng đọc số liệu, phát hiện xu hướng tăng giảm, phân tích sự tương quan giữa các yếu tố để từ đó rút ra nhận xét hoặc tính toán chính xác. Đây là phần học sinh có thể ghi điểm nhanh nếu nắm rõ cách làm và luyện tập thường xuyên.
Em Nguyễn Thanh Vy, học sinh lớp 12, Trường THPT Hai Bà Trưng, cho biết: “Việc không sử dụng Atlat ban đầu khiến em thấy khá lúng túng.Tuy nhiên sau một thời gian luyện đề, em nhận ra cần phải học chắc kiến thức. Em dành nhiều thời gian để ôn bài theo chủ đề, làm đề trắc nghiệm và ghi nhớ các công thức tính mật độ dân số, tỷ lệ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người và các chỉ số khác. Em cũng học cách nhận diện biểu đồ và phân tích bảng số liệu nhanh để tiết kiệm thời gian trong phòng thi”.
Việc không sử dụng Atlat trong phòng thi là dịp để học sinh rèn luyện tính tự giác, kỹ năng phân tích và khả năng ghi nhớ bền vững. Với sự chuẩn bị nghiêm túc và phương pháp học tập phù hợp, thí sinh hoàn toàn có thể tự tin bước vào kỳ thi, chinh phục môn Địa lý một cách dễ dàng. “Thay vì lo lắng, các em nên tập trung ôn tập có trọng tâm, làm quen với cấu trúc đề thi mới và phát huy khả năng tư duy địa lý. Việc thay đổi này là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các em thể hiện bản lĩnh và sự chủ động trong học tập”, cô Lâm Thị Phương Ngọc chia sẻ.