Không 'thần thánh hóa' chứng chỉ IELTS
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) 'tuýt còi' một số địa phương vì thực hiện không đúng quy định tuyển sinh vào lớp 10.
Lý do chính là vì thực hiện không đúng quy định về tuyển thẳng, chế độ ưu tiên như chứng chỉ tiếng Anh, đoạt giải các cuộc thi... Lần cảnh báo này của Bộ GD-ĐT giống như hồi chuông cảnh báo tình trạng "thần thánh hóa" chứng chỉ ngoại ngữ đang nở rộ ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục.
IELTS là chứng chỉ tiếng Anh đo mức độ, khả năng học tiếng Anh toàn diện ở cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết). Đây cũng là chứng chỉ tiếng Anh uy tín, được công nhận rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ là thước đo của riêng môn tiếng Anh.
Về bản chất, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lâu nay ở các địa phương xuất phát từ chuyện cung không đủ cầu, phụ huynh đều muốn tìm trường công tốt cho con trong khi chỗ học lại hạn chế. Muốn vậy thì phải thông qua thi tuyển. Đây là kỳ thi đánh giá trình độ phổ thông ở nhiều mặt, có nhiều môn thi, chứ không riêng gì tiếng Anh. Chính vì thế, dùng tiếng Anh để tuyển thẳng vào lớp 10 hoặc cộng điểm là không ổn.
Từ vấn đề này, nhìn rộng ra mục tiêu dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông ở nước ta. Rất nhiều chương trình, đề án từ cấp quốc gia đến địa phương đều hướng tới nâng cao trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh. Nên nếu lấy thước đo IELTS thay cho chuyện này, chuyện kia là đi ngược lại với mục tiêu dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, bởi nó tạo tâm lý chỉ cần chứng chỉ IELTS là đủ.
Sở dĩ như vậy là vì lâu nay chứng chỉ IELTS là thực chất nhưng ở Việt Nam lại khác. Bởi chúng ta thì cái gì thi cũng phải… luyện, phải đi học thêm. Mà khi đã luyện thi, học sinh sẽ đổ ra các trung tâm ngoại ngữ, thay vì chỉ học ở trường, rồi lại phát sinh không ít chuyện tiêu cực.
Mở rộng ra là vấn đề làm sao để dạy và học tiếng Anh thực chất, toàn diện, không chạy theo chứng chỉ. Muốn làm được điều này, nên chăng chúng ta cần đánh giá lại toàn bộ quá trình dạy học tiếng Anh trong trường. Đó là việc cần xem tiếng Anh chỉ nên là công cụ, chứ không nên xem là giải pháp duy nhất.
Phải thấy rõ rằng trong 10 em học sinh học ở trường thì 10 em có nhu cầu, mục đích sử dụng tiếng Anh khác nhau. Một em có nhu cầu đi du học sẽ có nhu cầu tiếng Anh khác với em chỉ cần đi học nghề… Là người đi dạy, tôi từng chứng kiến có những em học sinh THCS nhưng đã có trình độ tiếng Anh rất tốt. Trong khi giáo viên vẫn phải dạy theo số đông, dạy đại trà theo chương trình; giờ học với các em này trở thành rất lãng phí. Việc đổ ngân sách để dạy tiếng Anh như thế không hiệu quả.
Việc Bộ GD-ĐT quy định từ năm 2025, tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được xem là hướng đi đúng đắn. Việc dạy tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn nên duy trì nhưng chỉ nên dạy ở mức cơ bản nhất. Từ chuyện xác định như vậy, sẽ giải quyết được rất nhiều bài toán, trong đó có chuyện thi cử, bài toán thiếu giáo viên, ngân sách đầu tư cho giáo dục…
Xem link nguồn
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khong-than-thanh-hoa-chung-chi-ielts-post268160.html