Không thay đổi tập quán mai táng và xây mộ, thế hệ sau sẽ ở đâu?

Mai táng, xây mộ phần là tập quán lâu đời của người Việt Nam, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh và tôn giáo của cộng đồng.

Tuy nhiên hiện nay, tập quán này đang bộc lộ rất nhiều bất cập, gây ra những hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội như: Quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, quá tải nghĩa trang, chi phí xã hội lớn, ô nhiễm môi trường, khó khăn khi cần giải phóng mặt bằng... Nguy cơ mộ người chết chiếm hết đất của người sống, đồng thời cũng không còn đất để chôn cất người chết sẽ thành sự thật nếu không sớm có giải pháp thay đổi.

Nỗi lo... nơi chôn người chết

Nhiều năm làm Trưởng thôn Hán Lữ, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), ông Đinh Xuân Hà rất trăn trở về nơi chôn cất người chết ở địa phương. Trên địa bàn phường có nghĩa trang Núi Trống rộng khoảng 10ha. 10 năm về trước, không ai phải lo về nơi chôn cất người đã khuất, nhưng mấy năm nay, đây là mối lo lớn của nhiều gia đình vì nghĩa trang rộng mênh mông đã gần kín mộ. “Cứ đà này, vài năm nữa không biết chôn người chết ở đâu?”, ông Hà đặt câu hỏi đầy lo lắng.

Đúng như lo ngại của ông Hà, đến nghĩa trang Núi Trống, trước mắt chúng tôi là hàng nghìn ngôi mộ xây kiên cố nằm san sát, phủ kín quả đồi. Thi thoảng thấy chỗ trống thì cũng là mộ phần xây sẵn kiểu giữ chỗ-đó là những suất được người dân mua trước. Đồng chí Hà Thanh Hùng, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Khai Quang cho biết: "Nghĩa trang Núi Trống không còn khả năng mở rộng. Với những gia đình đã mua suất đặt mộ từ trước thì có thể tạm yên tâm. Còn hầu hết gia đình ở đây rất khó khăn về nơi an táng, nhiều người đã phải mua suất đặt mộ ở nghĩa trang tỉnh khác...".

Nghĩa trang Cây số 4 (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đang quá tải.

Nghĩa trang Cây số 4 (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đang quá tải.

Ngõ 88, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) được nhiều người gọi là “phố nghĩa địa” vì có nhiều phần mộ nằm ngay trên đường, sát nhà dân.

Ngõ 88, phố Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) được nhiều người gọi là “phố nghĩa địa” vì có nhiều phần mộ nằm ngay trên đường, sát nhà dân.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Yên, hiện nay, TP Vĩnh Yên có 2 nghĩa trang nhân dân do UBND thành phố quản lý (nghĩa trang Cây số 4, nghĩa trang Núi Trống) và 5 nghĩa trang nhân dân do các xã, phường quản lý. Các nghĩa trang này đều đang quá tải, trong khi quỹ đất để mở rộng rất hạn chế.

Nhằm đáp ứng nhu cầu mai táng của người dân, từ năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên nghĩa trang Thiên An Viên với diện tích khoảng 118ha cho một doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự án đã “chết yểu” vì người dân sở tại phản đối, lý do chính là sợ ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Dự án xây dựng nghĩa trang tập trung tại xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo) cũng không thể triển khai vì nguyên nhân tương tự.

Quá tải nghĩa trang; nhiều dự án xây dựng nghĩa trang không thể triển khai vì không nhận được sự đồng thuận của người dân là “bức tranh” chung của nhiều địa phương chứ không riêng Vĩnh Phúc. Tại Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu mai táng của người dân, trong “Quy hoạch phát triển nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8-4-2014 xác định sẽ cải tạo, mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) từ 7ha thành công viên nghĩa trang rộng 23ha vào năm 2030. Tháng 8-2014, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch đầu tư xây dựng các nghĩa trang tập trung trên địa bàn đến năm 2020, trong đó, dự án tại khu vực nghĩa trang Thanh Tước được thực hiện trong giai đoạn 2014-2020, nhưng do người dân quyết liệt phản đối nên đến nay... đành chịu!

Nảy sinh nhiều vấn đề xã hội

Ngày chủ nhật (7-4) vừa qua, nhân dịp Tết Thanh minh, chúng tôi hòa cùng dòng người đi tảo mộ ở nghĩa trang Thanh Tước. Chị NTP (phường Hùng Vương, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vất vả ngược dốc, len lỏi qua hàng trăm ngôi mộ sít nhau mới đến được nơi an nghỉ của mẹ chồng. Lúc quay ra, mặt chị đỏ bừng, mồ hôi chảy thành dòng thẫm áo. “Cách đây hơn 5 năm, gia đình tôi mua một vị trí cát táng hết 50 triệu đồng. Tôi bàn với chồng mua thêm hai suất “để dành” lúc vợ chồng về thế giới bên kia, nhưng chồng tôi không nghe. Bây giờ thì nghĩa trang đã quá tải, mỗi suất cả trăm triệu đồng mà cũng không mua được”, chị NTP than thở đầy tiếc nuối rồi cho biết, gia đình chị đành liên hệ để mua suất chôn cất tại một công viên nghĩa trang ở Ba Vì (Hà Nội), chấp nhận cảnh xa xôi và mộ phần ở nhiều nơi thì con cháu sẽ rất vất vả khi thăm viếng.

Với hàng nghìn ngôi mộ xây kiên cố, sát nhau, người dân xã Đông Quang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) chỉ còn cách trèo qua những phần mộ khác để vào chăm sóc phần mộ người thân.

Với hàng nghìn ngôi mộ xây kiên cố, sát nhau, người dân xã Đông Quang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) chỉ còn cách trèo qua những phần mộ khác để vào chăm sóc phần mộ người thân.

Những phần mộ trên đất nông nghiệp tại xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Những phần mộ trên đất nông nghiệp tại xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Dù bố mẹ hai bên nội-ngoại vẫn khỏe mạnh nhưng trước tình trạng quỹ đất chôn cất người chết ở nghĩa trang ngày càng khan hiếm, mới đây, anh LVH ở phường Minh Nông, TP Việt Trì (Phú Thọ) đã phải bỏ ra gần 700 triệu đồng để mua gần 50m2 đất tại một dự án công viên nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với giá ưu đãi... 14 triệu đồng/m2. Anh LVH chia sẻ: “Đó là do có mối quan hệ nên tôi được mua với giá chỉ bằng 2/3 so với giá thị trường. Chưa lo được chỗ an nghỉ cho ông bà thì cả gia đình không thể yên tâm”.

Trên thực tế, cũng như chị NTP và anh LVH, rất nhiều người luôn thường trực nỗi lo chuẩn bị nơi an nghỉ cho người thân và chính bản thân mình, tạo ra áp lực, nhu cầu đất chôn người chết rất lớn. Không ít gia đình phải chạy vạy vay mượn hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mua suất làm mộ tại các nghĩa trang, vì nếu không mua trước, khi có người từ trần sẽ không biết chôn cất ở đâu. Những gia đình có điều kiện còn sẵn sàng chi hàng tỷ đồng mua chỗ đặt mộ “để dành”... Chi phí mua đất, xây mộ (nhiều nơi còn xây lăng mộ bề thế) của cả xã hội là một con số khổng lồ! Chưa kể, khá nhiều gia đình nảy sinh mất đoàn kết từ việc tìm nơi chôn cất, xây mộ, đi thăm viếng mộ người thân...

Đối với người nghèo, khi nghĩa trang nhân dân quá tải, không có tiền mua suất tại công viên nghĩa trang, họ đành mai táng người thân tại các nghĩa địa tự phát hoặc trên đất nông, lâm nghiệp. Tình trạng này khá phổ biến trên cả nước, gây ra rất nhiều hệ lụy như: Ô nhiễm môi trường, nguồn nước; ảnh hưởng đến việc sản xuất, cảnh quan kiến trúc... Đặc biệt, khi phải giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng như nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, việc di dời các phần mộ vô cùng khó khăn, tốn kém. Điển hình như dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP Hồ Chí Minh) đã triển khai hàng chục năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành vì gặp khó trong việc bốc mộ, nhất là với gần 13.000 phần mộ “vô chủ”...

Nên để tro cốt ở đâu?

Trước hết phải khẳng định rằng, tập quán mai táng người chết gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của mỗi gia đình, dòng họ và cả cộng đồng, thể hiện tình cảm, đạo nghĩa đối với người đã khuất. Với đạo đức truyền thống, tình cảm, sự tri ân của người Việt Nam với tổ tiên, người đã khuất là vô hạn, dù phải chi phí bao nhiêu, vất vả thế nào cũng phải cố gắng làm để người đã khuất được “mồ yên mả đẹp”. Tuy nhiên, trước những hạn chế, bất cập, những vấn đề nảy sinh từ tập quán mai táng, xây mộ phần như đã đề cập ở trên, đặc biệt là nguy cơ không còn đất nghĩa trang đã nhãn tiền thì việc thay đổi tập quán chôn cất và xây mộ để phù hợp với thực tiễn, mang lại lợi ích chung cho xã hội là một tất yếu khách quan.

Một nghĩa địa ở tỉnh Phú Thọ, trong đó có một số phần mộ trên đất lâm nghiệp.

Một nghĩa địa ở tỉnh Phú Thọ, trong đó có một số phần mộ trên đất lâm nghiệp.

Quá trình đô thị hóa khiến một nghĩa địa tại phường Định Trung, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) “tiến” ra mặt đường.

Quá trình đô thị hóa khiến một nghĩa địa tại phường Định Trung, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) “tiến” ra mặt đường.

Thời gian qua, tại một số địa phương, chính quyền, người dân đã có những cách làm linh hoạt, phù hợp, góp phần từng bước thay đổi thói quen mai táng, xây mộ. Năm 2017, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) triển khai đề án xây dựng thí điểm nhà lưu giữ tro cốt để phục vụ người dân. Theo đồng chí Hoàng Đức Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Liên Trung, sau hơn 5 năm đưa vào hoạt động, đến nay đã có 21 gia đình trong xã gửi tro cốt người thân vào nhà lưu giữ. “Mô hình nhà lưu giữ tro cốt từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen mai táng của người dân. Hiện nay, tỷ lệ hỏa táng ở xã đạt khoảng 97%, số trường hợp gửi tro cốt vào nhà lưu giữ sẽ nhiều hơn trong thời gian tới”, đồng chí Hoàng Đức Mạnh cho biết.

Tại TP Hồ Chí Minh, mô hình tháp và nhà giữ tro cốt tại Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ (huyện Củ Chi) cũng đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt, hiện nay, nhiều ngôi chùa trên cả nước tổ chức lưu giữ tro cốt, thu hút đông đảo người dân gửi tro cốt người thân...

Những cách làm như trên rất cần được khuyến khích, nhân rộng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc gửi tro cốt ở chùa, công viên hỏa táng, nhà lưu giữ... cũng có những hạn chế nhất định. Hiện nay, các chùa nhận lưu giữ tro cốt đều rơi vào tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mặt khác, việc lưu giữ tập trung nếu không có biện pháp quản lý khoa học có thể gây nhầm lẫn, mất an toàn như đã từng xảy ra tại chùa Kỳ Quang 2 (TP Hồ Chí Minh) vào năm 2020. Việc gửi tro cốt tại các công viên hỏa táng cũng mất chi phí khá lớn...

Từ thực tế trên, chúng tôi đề xuất cần tổ chức vận động, tuyên truyền sâu rộng để người dân mang tro cốt của người thân về nhà. Tro cốt được để trong hũ đựng nhỏ gọn, có thể linh hoạt để trên ban thờ hay một vị trí phù hợp trong khuôn viên gia đình. Điều này sẽ góp phần khắc phục được những hạn chế, bất cập đã chỉ ra, mang lại lợi ích to lớn cho cả gia đình và xã hội, đồng thời rất tiện lợi cho việc hương khói, thờ cúng. Một giải pháp khác như nhiều nước đã làm là đem tro cốt thả xuống sông, biển, rải trên đất rừng... Trao đổi với chúng tôi, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu tôn giáo, nhà văn hóa, nhà sư, người dân... bày tỏ đồng tình với đề xuất này và cho rằng: Thói quen, tập quán mai táng, xây mộ phần có thể thay đổi khi nhận thức thay đổi. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan chức năng cần nghiêm túc nghiên cứu, sớm triển khai cuộc vận động thực hiện phong trào này trong toàn dân, như chúng ta đã vận động hỏa táng rất hiệu quả trong những năm qua.

Điều 4 Nghị định số 23/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định diện tích đất tối đa cho phần mộ cá nhân: Đối với hình thức hung táng và chôn cất một lần, không quá 5m2; với hình thức cát táng không quá 3m2. Hiện nay, tỷ lệ chết bình quân hằng năm của Việt Nam là 4/1000. Với dân số khoảng 100 triệu người, mỗi năm có khoảng 400.000 người chết. Nếu tất cả đều được mai táng (trung bình 4m2 đất cho một phần mộ hung táng, 2m2 với cát táng) thì mỗi năm, cả nước sẽ mất từ 800 nghìn đến 1,6 triệu m2 đất. Đó là chưa kể đường đi trong nghĩa trang cũng tốn đất không kém xây mộ.

Quá trình tìm hiểu để viết về nội dung này, phóng viên Báo QĐND được nhiều bạn đọc đề xuất: Chúng ta nên vận động nhân dân sau khi hỏa táng thì đem tro cốt chôn xuống đất rồi trồng cây lên trên để bảo vệ môi trường, hoặc rải xuống sông, biển như nhiều nước đã làm. Nhưng với văn hóa truyền thống của người Việt Nam, giải pháp trước mắt phù hợp, khả thi hơn là để tro cốt trong chiếc lọ nhỏ đặt trên ban thờ. Nhà có sân, vườn thì có thể đặt lọ tro cốt trong cây hương ngoài trời hay dưới khu tiểu cảnh, gắn tấm bia nhỏ ghi tên tuổi, ngày sinh, ngày mất... Hằng ngày, các con cháu tiện chăm sóc hương khói càng thể hiện lòng hiếu nghĩa, sự gần gũi, ấm cúng.

Cần tuyên truyền, vận động để người dân chọn hình thức mai táng phù hợp

Làm thế nào để thay đổi tập quán mai táng, xây mộ như hiện nay? Với câu hỏi này, chúng tôi đã được một số nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, nhà sư và người dân “hiến kế”. Theo đó, trước hết cần tuyên truyền, vận động để người dân nhận thấy sự cần thiết và lợi ích của việc thay đổi; phải lý giải được việc thay đổi không ảnh hưởng tiêu cực gì, nhất là về tâm linh, giống như việc trước đây vận động hỏa táng.

Theo Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiêm Trụ trì chùa Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội): Tro cốt thuộc thân tứ đại của người chết nên có thể chọn hình thức an táng phù hợp với điều kiện, gửi tro cốt ở chùa hoặc mang về nhà.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ khuyên nên gửi tro cốt ở chùa hoặc các địa điểm lưu giữ tro cốt phù hợp, thậm chí rải xuống sông, hồ, biển, chỉ thờ di ảnh; cũng có thể thờ tro cốt tại gia bằng nhiều cách phù hợp với từng gia đình. Ông nhấn mạnh: Một số người lo ngại tro cốt có “âm khí”, nhưng tro cốt thực chất chỉ là tro bụi, để trong bình kín thì không ảnh hưởng gì.

PGS, TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, việc hỏa táng, mang lọ tro cốt về thờ cúng trong nhà chùa, nhà thờ họ, mang về đặt trên ban thờ, trong cây hương ngoài trời hoặc vị trí phù hợp trong sân, vườn... là phương án hợp lý. Cách làm này không ảnh hưởng về mặt tôn giáo, tín ngưỡng và thực tế đã có nhiều gia đình thực hiện. Lọ đựng tro cốt nhỏ gọn, trường hợp gia đình chuyển nơi ở vẫn có thể mang theo...

Nhóm phóng viên Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-thay-doi-tap-quan-mai-tang-va-xay-mo-the-he-sau-se-o-dau-772230