Không thể bỏ qua địa bàn chiến lược

Các nước Cộng hòa Trung Á (CAR) gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong khuôn khổ địa chính trị của Ấn Độ và Trung Quốc. Cả hai 'ông lớn' châu Á này thực tế đã bắt đầu làn sóng ngoại giao mới với CAR sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan.

Thỏa thuận đối thoại “5+1”

Trong lịch sử, Trung Á là nơi giao thoa của những con đường thương mại và các nền văn minh lớn trên thế giới. Nơi đây với nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí địa lý đặc biệt vẫn luôn là địa bàn chiến lược để các cường quốc tranh thủ thêm sự ủng hộ. Thực tế, trong vài thập kỷ qua, Trung Á đã trở thành khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa các cường quốc cũ và mới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và cả các nước châu Âu.

Gia tăng ảnh hưởng tại Trung Á, khu vực được cho là bể khí đốt quan trọng bậc nhất của Trung Quốc, nơi có hơn 3.000km biên giới tiếp giáp với Tân Cương và cũng là nơi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) năm 2013, từ lâu luôn là chính sách nhất quán của Trung Quốc.

Theo EAF, Trung Quốc đưa ra thỏa thuận đối thoại “5+1” mới với tất cả 5 quốc gia CAR vào tháng 7.2020. Có thể nói, đất nước gấu trúc đã để khá muộn mới bắt tay CAR theo định dạng mới này, chỉ tham gia với các nước trên ở cấp độ song phương và đa phương từ năm 2004. Cuộc họp “5+1” đầu tiên tập trung vào đại dịch Covid-19, thương mại và đầu tư.

Cuộc họp thứ hai của Trung Quốc diễn ra ngày 12.5.2021. Sự kiện tập trung thảo luận về hợp tác, đại dịch Covid-19 và áp dụng cách tiếp cận chính trị toàn diện trong xây dựng quan hệ với Afghanistan. Theo hình thức tương tự, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo Trung Á vào ngày 25.1.2022 vừa qua nhằm tìm kiếm hợp tác chống khủng bố và tăng cường an ninh khu vực.

Ấn Độ cũng hơi chậm tham gia CAR thông qua định dạng “5+1”. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến thăm Trung Á lần cuối vào năm 2015. Sau khi Mỹ rời Afghanistan, cuộc họp thứ hai được tổ chức vào ngày 10.11.2021 theo định dạng “5+1” tại Đối thoại An ninh khu vực về Afghanistan. Cuộc họp thứ ba diễn ra vào tháng 12.2021.

Ấn Độ tổ chức cuộc họp trực tuyến đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - Trung Á với sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia theo định dạng “5+1”. Cuộc họp được tổ chức chỉ hai ngày sau khi Trung Quốc tổ chức cuộc họp cùng cấp. Trọng tâm chính của hội nghị thảo luận về các diễn biến ở Afghanistan và sự phát triển của Cảng Chabahar ở Iran, đối thủ với Cảng Gwadar ở Pakistan đang được xây dựng với vốn đầu tư của Trung Quốc.

Trung Quốc gắn nhãn diễn đàn “5+1” là tương tác với các nước láng giềng thân thiện - Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan có chung đường biên giới với đất nước gấu trúc. Trong khi đó, Ấn Độ mô tả các mối quan hệ Trung Á của họ là sự gắn kết thông qua chính sách “Vùng lân cận mở rộng”. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nhận thấy giá trị địa chính trị và khả năng cạnh tranh trong khu vực lân cận Trung Á chồng chéo của họ.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều muốn tăng cường bắt tay với Trung Á

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều muốn tăng cường bắt tay với Trung Á

Nguồn: ITN

Xây dựng vùng đệm biên giới an toàn

Sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan trước đây đã tạo ra bước đệm cho Trung Quốc theo đuổi các hoạt động can dự kinh tế với Trung Á. Nhưng với sự ra đi của "đất nước cờ hoa" ở Afghanistan và việc không chắc chắn về cách cầm quyền của chế độ Taliban, Trung Quốc đã hình thành thỏa thuận thể chế “5+1” để cung cấp một vùng đệm ở biên giới phía Tây của nước này. Trung Quốc nhận ra tầm quan trọng của việc tham gia vào Afghanistan và đã mở rộng viện trợ nhân đạo. Afghanistan luôn chiếm vị trí then chốt trong việc bảo đảm ổn định của khu vực, trong khi tình hình hiện trở nên bấp bênh hơn. Nếu Afghanistan bị phó mặc cho số phận của mình, nước này có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng gây mất ổn định cho cả khu vực.

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan cũng đã được chứng minh là yếu tố quan trọng đối với cam kết mới của Ấn Độ với CAR. Thực tế, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều nhận thấy, xây dựng chính sách điều phối chung với các nước Trung Á sẽ giúp bảo đảm Afghanistan không thể trở thành nơi để khủng bố trú ngụ và vươn vòi bạch tuộc ra thế giới.

Đất nước đông dân nhì thế giới đầu tư rất nhiều vào các dự án phát triển ở Afghanistan sau khi Mỹ khởi động cuộc chiến vào năm 2001. Ấn Độ không cảm thấy cần phải tham gia trực tiếp với CAR như một nhóm đơn lẻ theo bất kỳ hình thức nào khác. Mô hình an ninh của Ấn Độ yêu cầu bảo đảm biên giới Tây Bắc của mình. Điều đó trước đây từng đạt được thông qua sự hiện diện của Mỹ tại Afghanistan và những cam kết sâu sắc với các chính quyền Afghanistan trước đây. Vì vậy, khi Mỹ ra đi, tham gia với CAR đã trở nên cấp thiết đối với Ấn Độ từ góc độ thương mại và an ninh.

Chẳng hạn, về khía cạnh kinh tế, Ấn Độ đang và sẽ tiếp tục là bạn hàng lớn với các nước Trung Á giàu tài nguyên năng lượng như dầu thô, khí đốt, than… Nước này cũng dành gói tín dụng khoảng 1 tỷ USD cho các dự án hạ tầng tại Trung Á, vì các quốc gia ở đây đều nằm sâu trong lục địa, gặp khó khăn trong tiếp cận các tuyến vận chuyển quốc tế. Điển hình nhất là việc kết nối hạ tầng từ khu vực này tới cảng Chabahar tại Iran, nơi Ấn Độ cũng đang phát triển một khu dịch vụ logistic (hậu cần). Bên cạnh đó, ngoài đường ống khí đốt Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ (TAPI), Ấn Độ còn quan tâm sử dụng tối ưu Hành lang Giao thông Bắc Nam quốc tế kết hợp với Thỏa thuận Ashgabat về Hành lang Vận tải và quá cảnh quốc tế để tăng cường kết nối giữa Ấn Độ và các quốc gia Trung Á.

Ngược lại, với các nước Trung Á, vốn khả năng kinh tế và quân sự để chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố còn hạn chế, thì bất kỳ dàn xếp nào cũng sẽ gia tăng giá trị cho lợi ích an ninh của chính họ.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-the-bo-qua-dia-ban-chien-luoc-rrhxvtcocx-81802