Không thể 'bó tay' với nạn rải đinh!

Ai từng gặp nạn chắc sẽ không quên nỗi ám ảnh bởi cảm giác chao đảo vì xe bị xì hơi, phải dắt bộ giữa đêm khuya hay dưới trời nắng hoặc mưa tầm tã, rồi bị chặt chém khi buộc phải thay vỏ, ruột xe dỏm.

Mới đây, Báo Người Lao Động online có tin ảnh về nạn rải đinh trên Quốc lộ 1, đoạn qua cầu vượt Linh Xuân. Theo ghi nhận của phóng viên sáng 7-5, có hàng trăm mảnh sắt sắc nhọn chỉ trên đoạn đường khoảng 150 m từ cầu vượt Linh Xuân (TP Thủ Đức, TP HCM) đi quận 12.

Nạn rải đinh không phải mới xảy ra, cũng không phải chỉ xuất hiện ở khu vực này. Rất nhiều người cảnh giác, giảm tốc độ xe tối đa, vừa chạy vừa căng mắt vẫn không thoát "đinh tặc".

Ai từng gặp nạn chắc sẽ không quên nỗi ám ảnh bởi cảm giác chao đảo vì xe bị xì hơi, phải dắt bộ giữa đêm khuya hay dưới trời nắng hoặc mưa tầm tã, rồi bị "chặt chém" khi buộc phải thay vỏ, ruột xe "dỏm".

Chưa kể, đã từng có trường hợp té ngã, đụng xe người khác hoặc bị đụng, nguy cơ bị thương, thậm chí tử vong treo lơ lửng.

Người dân đều bức xúc vì nó vẫn ngang nhiên tồn tại, thách thức dư luận và cơ quan chức năng. Không lẽ cơ quan chức năng "bó tay" với "đinh tặc" để người dân phải cam chịu?

Ai được lợi từ việc rải đinh? Câu trả lời có lẽ đã quá rõ ràng. Vấn đề còn lại là có thể xử lý đối với những kẻ giấu mặt nhưng không khó tìm đó được không, xử lý thế nào, liệu có đủ răn đe?

"Đinh tặc" gây tâm lý bất an, làm mất mát tiền bạc, thời gian, sức khỏe và cả niềm tin vào công tác quản lý nhà nước.

Quy định của pháp luật đã có: Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi đặt, rải vật nhọn trên đường; Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác (ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi rải đinh ra đường phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn do hành vi vi phạm gây ra).

Nếu hành vi rải đinh ra đường đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ.

Đã đến lúc cơ quan chức năng phải tập trung xử lý triệt để tình trạng này, không để cái ác nhởn nhơ, thách thức công quyền. Trước mắt, nên chăng tạm ngưng hoạt động các tiệm sửa xe trên các đoạn đường đó, thay bằng các điểm vá xe lưu động do cơ quan chức năng tổ chức?

Cần sớm kiến nghị sửa đổi một số quy định của pháp luật như xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng nếu có hành vi rải đinh; tái phạm thì xử lý hình sự dù chưa gây ra hậu quả (thương tích, chết người)…

Ngoài ra, để chống "đinh tặc" hiệu quả, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong kiểm tra, giám sát cũng như chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng rải đinh trên địa bàn phụ trách. Song song đó, cần sự chung tay của người dân trong phát hiện, tố cáo hành vi rải đinh. Làm được vậy, tin rằng "đinh tặc" sẽ hết đất sống.

Phạm Nguyễn Quỳnh Thư

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/khong-the-bo-tay-voi-nan-rai-dinh-20230511210812271.htm