Không thể chấp nhận những hình ảnh phản cảm, dung tục trên sóng truyền hình quốc gia
VTV lại thêm một lần 'dậy sóng' dư luận khi để hình ảnh phản cảm, dung tục thiếu văn hóa trên sóng truyền hình quốc gia trong một chương trình gameshow.
Đoạn video được lên sóng truyền hình với màn ném dao vào củ cải trắng được một người mẫu đỡ bằng tay và miệng với góc quay dễ khiến người xem phải "đỏ mặt" vì rất phản cảm, dung tục. Và thứ mà khán giả nhận được sau khi xem gameshow này không phải sự giải trí, định hướng… mà là một sự xấu hổ, thô thiển, bức xúc, thậm chí cả sốc!.
Khán giả dậy sóng, tức giận, không thể chấp nhận và cũng không thể hiểu vì sao một hình ảnh lố bịch, phản cảm lại có thể xuất hiện một cách đường đường chính chính trên sóng truyền hình quốc gia.
Khi nhìn những hình ảnh này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phải thốt lên một cách cay đắng rằng "Truyền hình Việt Nam mắc một loại dịch mới". Ông cho rằng loại dịch này có thể còn nguy hiểm hơn cả Covid -19 bởi đó là "dịch vô văn hóa". "Dịch Covid 19 có thể vài tháng là dẹp xong. Dịch vô văn hóa sẽ phải mất hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới có thể chữa khỏi" – ông Thiều chia sẻ một cách chua cay.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một hình ảnh rõ ràng nhảm nhí và dung tục như vậy, ai cũng có thể dễ dàng nhìn ra như vậy lại có thể qua mắt được bộ phận "kiểm duyệt" của nhà đài, lại có thể có sự "chung ta" của nhiều người làm nên chương trình?. Và tại sao những người làm chương trình hoàn toàn có thể thay thế đạo cụ để tránh hiểu lầm và tạo ra những hình ảnh xấu xí lại không làm?. Phải chăng đây là "chiêu trò" để chương trình gây chú ý với khán giả trong khi gameshow truyền hình mọc nhan nhản như nấm sau mưa và có những cuộc chạy đua ngầm?
Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa thì khán giả vẫn không thể chấp nhận được những hình ảnh đầy sự dung tục và phản cảm trên sóng truyền hình. Và VTV phải chịu trách nhiệm khi đã để hình ảnh nhạy cảm một cách công khai trên sóng truyền hình.
Đáng chú ý, chương trình này lên sóng vào khung giờ 20h30 tối thứ năm hằng tuần trên kênh VTV3 và không hề có cảnh báo về lứa tuổi khán giả nên rất thu hút lượng người xem các độ tuổi khác nhau. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn mà không thể cân đong đo đếm cụ thể tác hại từ hình ảnh phản cảm này tới người xem, nhất là khán giả nhỏ tuổi.
Buồn hơn, đây không phải là lần đầu tiên một chương trình giải trí có những hình ảnh dung tục, thô thiển này. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì sự phản cảm này thỉnh thoảng này lại "tái xuất" khiến nhiều người không thể không đặt ra những câu hỏi vai trò của người kiểm duyệt đang ở đâu?. Và tại sao nó lại có cơ hội tái xuất?. Phải chăng vì "nhờn thuốc", vì chưa có thuốc đặc trị hay sự lên án của công chúng chưa đủ mạnh để những gameshow này vẫn còn có đất sống?
Trong thời buổi mạng xã hội phát triển tràn lan, nhà nhà, người người làm clip để kiếm tiền với mức độ cạnh tranh gay gắt, lôi kéo người xem bằng nhiều cách cho đến mọi cách. Hệ quả kéo theo là nhiều hình ảnh hổ lốn, bậy bạ, bạo lực, rẻ tiền, câu khách giật gân, nhạt nhẽo, tục tĩu… xuất hiện khiến nhiều người cảm giác như vào một ma trận. Nếu họ không đủ bản lĩnh, phông văn hóa thì rất dễ bị cuốn vào những trào lưu bong bóng và độc hại. Trong bối cảnh đó thì đài quốc gia càng cần phải tiên phong đi đầu, định hướng dư luận và tạo ra những hình ảnh đẹp, nhân văn, mang lại hiệu ứng tích cực cho công chúng, xứng đáng, xứng tầm với tên gọi cũng như niềm tin của khán giả cả nước.
Nếu VTV không có hình thức xử lý thích đáng với những chương trình này, thiếu kiểm soát và không đặt trách nhiệm cao thì rất có thể khán giả khi xem một chương trình giải trí bất kỳ nào cũng khó lòng hoàn toàn yên tâm, thậm chí phải sẵn sàng tâm lý "hên xui", bất cứ lúc nào cũng bị chèn những hình ảnh dung tục không mong muốn.
Bên cạnh đó người xem cũng cần thể hiện "quyền của khán giả", tỏ rõ quan điểm, sự bức xúc, không đồng tình cao nhất của một khán giả. Đó là cương quyết không chấp nhận và dung túng những chương trình giải trí thiếu lành mạnh, phản cảm. Sự quay lưng của khán giả cho một chương trình truyền hình chính là hình thức bày tỏ thái độ, chính kiến cao nhất cho lời khẳng định: Không thể chấp nhận những hình ảnh phản cảm, dung tục trên sóng truyền hình quốc gia.