Không thể 'đổ lỗi cho hệ thống pháp luật' để đùn đẩy trách nhiệm

Sáng 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và một số nội dung khác.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

“Bắt đúng bệnh” của kinh tế - xã hội

Thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trước bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, đối với 8 khó khăn, vướng mắc nêu trong báo cáo của Chính phủ, cần chỉ rõ nguyên nhân, “bắt đúng bệnh” của kinh tế - xã hội để có “đơn thuốc” hiệu quả nhất. Trong đó, trách nhiệm của từng bộ, ngành cần được làm rõ.

Theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công cải thiện đáng kể. Ước giải ngân đến hết tháng 9-2023 đạt 51,38% kế hoạch. Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng số giải ngân vẫn còn thấp. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhưng còn cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh.

Về chi ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thành Trung (Đoàn Yên Bái) cho rằng, còn tình trạng chậm phân bổ vốn (cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên). Tiến độ giải ngân mặc dù đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đạt thấp.

“Công tác chuẩn bị dự án đầu tư còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng tiến độ giải ngân và hiệu quả nguồn vốn đầu tư”, đại biểu nói.

Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ) dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long hết sức quan trọng với ngành Nông nghiệp, với sự phát triển của đất nước. “Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững”, Thủ tướng cho biết.

Vấn đề sạt lở đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết yêu cầu trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn tác động tiêu cực. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Trong đó, những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý các vấn đề lớn khác như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông. Nhấn mạnh thuận lợi của khu vực đồng bằng sông Cửu Long là sông nước mà đã gắn với sông nước thì phải có cầu, cảng, Thủ tướng lưu ý trong phát triển hạ tầng giao thông, đồng bằng sông Cửu Long có thể tận dụng, khai thác các dòng sông nhưng phải theo hướng bền vững.

Hệ thống pháp luật cơ bản đều phù hợp

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng) nhấn mạnh, chúng ta đã nhận diện có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không hết chức năng, nhiệm vụ được giao. Đại biểu Quốc hội đặt ra lý do vì sao có tình trạng đó? Là do vướng mắc về pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện hay cả hai? Mức độ đến đâu?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận.

Để giải đáp bài toán đó, tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm. Để bảo đảm tính độc lập, hỗ trợ cho tổ công tác của Chính phủ, Thường vụ Quốc hội cũng thành lập tổ công tác. Kết quả rà soát tuy độc lập nhưng đều thống nhất, đi đến nhận định chung là hệ thống pháp luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, đồng bộ, thống nhất, khả thi, kiến tạo phát triển đất nước ổn định.

“Kết quả rà soát cũng cho thấy hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, đầy đủ hơn. Qua báo cáo rà soát, ý kiến cho rằng do sợ sai không làm được, vướng mắc nọ kia mà đổ lỗi cho hệ thống pháp luật là không đúng”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Kết quả rà soát cũng chỉ ra có những vướng mắc, chồng chéo, chưa hợp lý trong hệ thống pháp luật nhưng số lượng văn bản không nhiều.

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tế sau khi biên soạn sách giáo khoa chương trình mới, đã xảy ra tình trạng không đồng bộ, còn nhiều lỗi, do đó đề nghị ngành Giáo dục tổng kết ngay để sớm xem xét bổ sung, chỉnh sửa.

Nói về “căn bệnh trầm kha” dạy thêm, học thêm, đại biểu cho rằng hệ thống lương cho giáo viên còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

“Tôi tha thiết đề nghị Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt mang tính “mệnh lệnh”, làm thế nào nâng cao đời sống cho giáo viên để bảo đảm nguồn nhân lực, đồng thời hạn chế thấp nhất dạy thêm, học thêm”, đại biểu nhấn mạnh và cho rằng, thế hệ trẻ hiện nay với chương trình học dày đặc đã mất quá nhiều thời gian cho việc học nên yếu kỹ năng trong cuộc sống, cùng với ảnh hưởng của mạng xã hội đã xảy ra hệ lụy về ứng xử chưa tốt, bạo lực học đường…

Đối với việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đại biểu Nguyễn Minh Đức nêu vấn đề, tại sao phải chấn hưng văn hóa khi đất nước chúng ta có truyền thống văn hóa lâu đời. "Chấn hưng văn hóa không gì khác là phải đào tạo từ thế hệ trẻ, trong đó gia đình, nhà trường, xã hội phải là môi trường gương mẫu để bồi đắp văn hóa cho thế hệ trẻ".

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam về văn hóa chủ yếu đi vào công tác xây dựng môi trường văn hóa, tôn tạo, bảo tồn, phát huy các di sản, từ đó quảng bá văn hóa... Qua tổng hợp từ các địa phương mới có được con số 350 nghìn tỷ đồng, đây là con số khái quát, vẫn cần lượng hóa cụ thể trong ngân sách theo từng giai đoạn.

Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (đại biểu Quốc hội Đoàn Thanh Hóa) cũng nêu quan điểm: Đi cùng cải cách tiền lương khu vực công thì phải cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp nhà nước, cũng như điều chỉnh phù hợp lương với đối tượng hưu trí và các đối tượng khác.

Với khu vực công, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, quan trọng nhất là xóa bỏ mức lương cơ sở và trả lương theo vị trí việc làm. Ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, đề nghị cải cách lương ở khu vực này với các nội dung người quản lý ăn lương cùng lao động, khi lợi nhuận cao thì cả hai hưởng cao. Đồng thời, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương, doanh nghiệp có toàn quyền ban hành, Nhà nước chỉ quy định mức lương tối thiểu áp dụng với người lao động.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-the-do-loi-cho-he-thong-phap-luat-de-dun-day-trach-nhiem-645867.html