Không thể, không dám, không cần... tham nhũng

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phòng, chống tham nhũng, đặc biệt chú trọng cơ chế phòng ngừa theo phương châm 'không thể, không dám, không cần... tham nhũng', tiếp thu ý kiến phản biện, xây dựng của báo chí và của các tầng lớp nhân dân về vấn đề này thông qua báo chí. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nêu kiến nghị trên tại Hội thảo khoa học 'Báo chí, dư luận xã hội và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay' do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức sáng 22-6.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận cho thấy, báo chí và dư luận xã hội là lực lượng tiếp sức cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn dân.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, hiện cả nước có hơn 24.000 hội viên, nhà báo đang làm việc trong hơn 800 cơ quan báo chí. Báo chí nói chung, đặc biệt là báo chí điều tra, đã thể hiện rõ nhất chức năng "liên kết và can thiệp xã hội", thông qua lớp màng mỏng nhất của ý thức xã hội là dư luận xã hội, hằng ngày hằng giờ tác động đến công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên đất nước ta. Trong năm 2022, các cơ quan báo chí đã đăng tải 11.607 tin bài, phóng sự nổi bật của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng 2 lần so với năm 2021).

 GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá, báo chí đã trở thành “mũi tiến công” trực tiếp góp phần phát hiện, đấu tranh với những vụ việc, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Trên thực tế, đã có không ít những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được đưa ra ánh sáng bắt nguồn từ thông tin do báo chí phản ánh. Báo chí cũng phát hiện, tôn vinh những điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.

 PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Theo PGS, TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, báo chí và dư luận xã hội tạo ra diễn đàn tập hợp tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, cử tri, góp phần phản biện, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đóng góp khuyến nghị đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước.

Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tham luận tại hội thảo.

Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương nêu ra một số chú ý từ hoạt động thực tiễn hoạt động báo chí như: Báo chí đôi khi còn thiếu thận trọng khi thông tin các vấn đề phức tạp, nhạy cảm, gây bức xúc dư luận; thông tin xâm phạm đời tư cá nhân; thông tin thiếu chính xác...

 Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tham luận "Báo chí chống tham nhũng, tiêu cực-bất cập, khó khăn và kiến nghị".

Nhà báo Hồ Quang Lợi phát biểu tham luận "Báo chí chống tham nhũng, tiêu cực-bất cập, khó khăn và kiến nghị".

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, hạn chế lớn nhất là báo chí chưa phản ánh một cách đầy đủ, kịp thời những hiện tượng, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mà nhân dân đã phát hiện, cung cấp thông tin. Một số vụ việc được phát hiện, nêu ra nhưng lại chưa theo đuổi đến cùng, làm suy giảm lòng tin của người tố cáo, cung cấp, tin tưởng vào báo chí. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, báo chí không được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận những thông tin cần thiết và tin cậy...

Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tham luận với chủ đề "Quan điểm của Đảng và Nhà nước về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vai trò của báo chí đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tham luận với chủ đề "Quan điểm của Đảng và Nhà nước về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và vai trò của báo chí đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của báo chí, dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian tới đã được đề xuất. Trong đó đều nhấn mạnh giải pháp bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho báo chí, dư luận xã hội tham gia có hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện cơ chế bảo vệ nhà báo, phóng viên, cơ quan báo chí khi tác nghiệp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bên cạnh đó, theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực cũng phải vững về bản lĩnh, giỏi về nghiệp vụ và thật sự trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, phải có động cơ xây dựng, khách quan, trung thực.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Công Dũng, Phó tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò của người đứng đầu các cơ quan báo chí cũng hết sức quan trọng, cần chủ động, tiên phong, kiên quyết đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực kịp thời động viên, hỗ trợ phóng viên, biên tập viên tham gia xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực; đồng thời tin tưởng, quan tâm, ủng hộ và bảo vệ các phóng viên, nhà báo chân chính trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Tin, ảnh: HOÀNG VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/khong-the-khong-dam-khong-can-tham-nhung-731952