Không thể 'lững thững' trong chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản

Việc chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI Nhật Bản đòi hỏi sự quyết liệt từ phía đối tác cũng như quyết tâm của Việt Nam cùng cơ chế chính sách bảo vệ tốt sở hữu trí tuệ.

Những năm qua, nhiều sáng kiến tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được ra đời và thúc đẩy. Là thành viên của nhiều hiệp định thương mại trong khu vực, Việt Nam và Nhật Bản đều kỳ vọng đạt được những lợi ích chung và từ mối quan hệ hợp tác song phương bền chặt.

Việc chuyển giao công nghệ trong hợp tác Việt – Nhật là nhu cầu phát triển tất yếu của cả hai quốc gia.

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng phụ trách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá mặc dù Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nhanh, tỷ trọng của khu vực sản xuất trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không tăng trưởng đáng kể, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế.

Mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Tuy nhiên, tại hội thảo "Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản - Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM, đánh giá việc chuyển giao còn rất khiêm tốn so với kỳ vọng.

Điều này xuất phát từ chính sách của Việt Nam thiếu trọng điểm, chưa tập trung chuyển giao vào một số ngành cụ thể và bản thân doanh nghiệp dường như thiếu sự kiên nhẫn.

Ngoài ra, doanh nghiệp nước ngoài mong muốn chuyển giao công nghệ nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có bảo vệ được công nghệ đó hay không trong bối cảnh bảo vệ sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề quan ngại.

Chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI là một trong những ưu tiên phát triển của Việt Nam nhưng đến nay kết quả vẫn còn rất khiêm tốn.

Chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI là một trong những ưu tiên phát triển của Việt Nam nhưng đến nay kết quả vẫn còn rất khiêm tốn.

Ông Dương cho rằng về phía Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động nhiều hơn, không chỉ đơn thuần tìm kiếm các dự án để thực hiện các hoạt động đã định.

Điểm mấu chốt là phải giữ tâm thế học hỏi, không thể đòi hỏi các doanh nghiệp Nhật Bản hay doanh nghiệp nước ngoài khác phải chuyển giao công nghệ, tránh đặt điều kiện với đối tác. Bên cạnh đó, không vì những bất định trên toàn cầu mà lơ là yêu cầu cải thiện một cách cơ bản năng lực công nghiệp chế biến chế tạo.

Ông Dương khuyến nghị việc hợp tác cần được thực hiện trong các tiểu ngành cụ thể cùng nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Về phía Nhật Bản, nhu cầu chuyển giao công nghệ xuất phát từ khó khăn của những doanh nghiệp nước này khi hiệu suất các nhà máy đang hoạt động tại các nước mới nổi đang giảm sút nghiêm trọng, theo TS. Kiyohiro Oki, Đại học Tokyo.

Sự thay đổi trong xã hội Nhật Bản cũng tạo ra những thách thức mới, như việc số người trẻ Nhật Bản ngày càng ít và thay đổi ý thức về lao động chân tay, số lượng công nhân nhà máy sẵn sàng cống hiến cho tổ chức cũng ngày càng giảm.

Thời gian qua, Nhật Bản không chỉ là nhà đầu tư lớn mà còn là đối tác quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp của Việt Nam. Tuy vậy, mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước vẫn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa và có thể đi theo kinh nghiệm của Hàn Quốc.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy thuộc Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, Hàn Quốc cũng làm những vấn đề mà Nhật Bản làm, cũng phát triển nhà cung cấp nhưng các nhà đầu tư Hàn dường như làm triển khai nhanh hơn rất nhiều và có sự quảng bá rộng rãi.

Bà lấy ví dụ dù vào sau các doanh nghiệp Nhật Bản rất lâu, Samsung đã xây dựng được hệ thống mạng lưới nhà cung cấp có nhiều doanh nghiệp Việt Nam và kết quả đều được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong khi đó, Toyota, Canon hay Panasonic đã vào thị trường Việt Nam từ lâu, phát triển hệ thống nhà cung cấp nhưng lại không nhiều doanh nghiệp biết được.

“Tôi cho rằng những điều này không phải tự các doanh nghiệp Nhật làm được mà rõ ràng cần các tổ chức của Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp cùng”.

Bà Thúy cũng khuyến nghị Nhật Bản có thể làm các chương trình phát triển nhà cung cấp giống như cách mà các tổ chức quốc tế đã làm tại Việt Nam.

Mặc dù nhiều chương trình và hoạt động khác nhau được triển khai, những chương trình này chưa phát triển theo hệ thống để các doanh nghiệp có thể hiểu được hoạt động của Nhật Bản ở Việt Nam và có thể tận dụng được.

Theo đó, vấn đề hợp tác đầu tiên có thể được phát triển thành hệ thống là đào tạo năng lực cho các doanh nghiệp Việt, giúp họ có đủ năng lực trở thành nhà cung cấp. Tuy nhiên, việc đào tạo cần kết hợp với truyền thông rộng rãi để tạo được kết quả tốt hơn.

Vấn đề thứ hai là phát triển chương trình tư vấn viên để đánh giá và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Thúy cho biết rất nhiều công nghệ doanh nghiệp Việt Nam muốn học hỏi, tiếp nhận nhưng nếu tự làm với doanh nghiệp Nhật, mức chi phí sẽ cao cộng với ngôn ngữ và văn hóa doanh nghiệp quá khác xa sẽ tạo ra rào cản.

Do đó, cần có sự hỗ trợ từ bên thứ 3, có thể là các tổ chức nghiên cứu, tổ chức trung gian hoặc chính phủ.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/khong-the-lung-thung-trong-chuyen-giao-cong-nghe-tu-nhat-ban-1574439466790.htm