Không thể mãi 'té nước theo mưa'
Sau 6 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp đã đẩy giá cước vận tải tăng mạnh, có doanh nghiệp vận tải tăng giá cước lên tới 40 đến 50%. Cùng với đó, chúng ta cảm nhận được sức nóng về giá từ mỗi bó rau, mớ cá, cân thịt, đến gói xôi, bát phở sáng...
Người cung cấp đưa ra lý do giá xăng dầu tăng nên phải tăng giá dịch vụ. Thế nhưng khi thị trường xăng dầu hạ nhiệt, thậm chí hạ nhiệt rất mạnh sau 4 lần giảm gần nhất, đưa giá xăng dầu trở về bằng với mức giá hồi đầu năm 2022, thì người tiêu dùng vẫn chưa thấy “sức mát” nào từ thị trường cả.
Sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, chứ không thể là cuộc chơi, thứ “luật lệ” riêng của nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Không thể ỷ vào việc người tiêu dùng không thể không dùng dịch vụ mà gây khó dễ. Đây không phải lần đầu giá hàng hóa phải chịu sức ép bởi giá nhiên liệu. Thị trường từng chứng kiến rất nhiều lần giá hàng hóa tăng cao do biến động giá nhiên liệu. Nhưng cơ bản, giá hàng hóa đều dần giảm nhiệt sau những lần nhiên liệu hạ giá.
Theo công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đầu năm 2022 là 2,18%, ở mức kiểm soát, nhưng rõ ràng nhìn vào diễn biến thị trường cho thấy “bóng ma” lạm phát đang âm thầm đe dọa nền kinh tế và đời sống xã hội.
Có câu chuyện xoay quanh một cửa hàng bán bánh mì ở bìa khu công nghiệp. Khi nguyên, nhiên liệu tăng giá, chủ cửa hàng bánh mì thông báo tăng giá, lập tức công nhân đáp lại là sẽ nhịn ăn sáng bằng bánh mì. Để giữ khách chủ cửa hàng buộc phải giữ nguyên giá bán, nhưng chất lượng chiếc bánh mì thì rõ ràng là không còn được như trước nữa. Không chỉ người bán mà người tiêu dùng đều nhìn thấy được điều đó, nhưng không có cách nào khả dĩ hơn để chia sẻ với nhau cả.
Khi nhiên liệu hạ giá, công nhân đòi hỏi chất lượng chiếc bánh mì phải trở lại trạng thái ban đầu. Cửa hàng bán bánh mì cũng muốn thế để bán được nhiều bánh hơn, nhưng khi mà giá bột mì, đường, sữa vẫn thế, thì chiếc bánh mì vẫn chưa thể khác được. Người bán và người mua vẫn phải huyễn hoặc nhau thông qua chiếc bánh mì, vì bên nào cũng biết mình không thể nhượng bộ khi mà khâu quyết định là giá nhập nguyên liệu đầu vào của cửa hàng bán bánh vẫn thế. Qua câu chuyện cho ta thấy tác động tiêu cực từ giá cả đã làm đảo lộn không chỉ đối với việc cung cấp dịch vụ đầu cuối, mà còn cả đạo đức kinh doanh. Để ứng phó với giá, người ta buộc phải làm chuyện không mong muốn.
Xăng dầu đóng vai trò quan trọng trong tất cả lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội. Giá xăng dầu tăng thì giá hàng hóa tăng là hiển nhiên, người tiêu dùng chấp nhận và chia sẻ. Nhưng rõ ràng ở thời điểm này nhà sản xuất và nhiều dịch vụ trung gian không thể mãi mượn lý do ấy để giữ nguyên mức giá hàng hóa, dịch vụ khi mà giá xăng dầu đã khác rất nhiều so với vài tháng trước. Việc cố tình “té nước theo mưa” lâu dài không chỉ đi ngược lại quy luật thị trường, tạo sự bất công trong tiêu dùng, mà sâu xa hơn còn có thể là hành vi thao túng thị trường, mở đường cho nguy cơ lạm phát quay trở lại.