Không thể phủ nhận đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của người lao động di cư

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhân Ngày Quốc tế Người di cư (18/12), người di cư quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động toàn cầu (chiếm 4,7% lực lượng lao động toàn cầu).

Người di cư quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động toàn cầu (chiếm 4,7% lực lượng lao động toàn cầu). Nguồn: Vietcap

Người di cư quốc tế tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thị trường lao động toàn cầu (chiếm 4,7% lực lượng lao động toàn cầu). Nguồn: Vietcap

Theo ILO, đa phần người di cư trong lực lượng lao động tập trung ở các nước có thu nhập cao, chiếm 68,4% tổng lực lượng lao động (114,7 triệu người), kế đến là 17,4% (29,2 triệu người) ở các nước có thu nhập trung bình cao hơn.

Không thể phủ nhận di cư quốc tế đặt ra những thách thức về phân phối nguồn lực, gây ảnh hưởng đến lao động bản địa. Tuy nhiên, người di cư cũng có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của nước sở tại.

Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày Quốc tế Người di cư (18/12) năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, hàng triệu người di cư trên khắp thế giới đáng được tôn vinh bởi những đóng góp quan trọng của họ.

Theo báo cáo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố, ngày càng có nhiều người di cư đến các nước OECD tìm được việc làm và có thu nhập ổn định, thậm chí thành lập doanh nghiệp riêng và khẳng định được tiếng nói tại quốc gia sở tại.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, người di cư hợp pháp là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi giúp giải tỏa “cơn khát” nhân lực của nhiều nước, nhất là tại châu Âu và châu Á.

Đơn cử như tại Đức, nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU), tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề là “quả bom nổ chậm”. Theo Nghiên cứu của quỹ Bertelsmann, nếu không có khoảng 288.000 lao động nước ngoài lành nghề nhập cư mỗi năm, quy mô lực lượng lao động của Đức có thể giảm từ khoảng 46,4 triệu người hiện nay xuống còn 41,9 triệu vào năm 2040 và 35,1 triệu người năm 2060, kéo theo nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế.

Nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng chỉ ra, người nhập cư ở các nền kinh tế tiên tiến có tác động tích cực đến sản lượng và năng suất, cả trong ngắn hạn và trung hạn. Vì vậy, hòa nhập người di cư vào thị trường lao động là chìa khóa để tối đa hóa sự đóng góp của họ cho nền kinh tế, đồng thời hạn chế gánh nặng tiềm tàng đối với tài chính công và ổn định xã hội.

Do đó, Báo cáo của ILO nhấn mạnh sự phức tạp của di cư lao động và sự cần thiết phải có các chính sách có mục tiêu để hỗ trợ người di cư quốc tế. Những chính sách này bao gồm cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm thỏa đáng và tăng cường bảo vệ người lao động di cư. Vì hiện nay, người di cư phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn (7,2%) so với người không di cư (5,2%), trong đó phụ nữ di cư (8,7%) có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nam giới (6,2%). Khoảng cách này có thể là do các yếu tố như rào cản ngôn ngữ, không được công nhận trình độ, phân biệt đối xử, sự hạn chế các lựa chọn về trông trẻ và kỳ vọng dựa trên cơ sở giới tính đã giới hạn cơ hội việc làm, đặc biệt là đối với phụ nữ.

“Người lao động di cư là lực lượng không thể thiếu trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động toàn cầu và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đảm bảo quyền lợi và quyền tiếp cận việc làm thỏa đáng của họ không chỉ là một yêu cầu mang tính đạo đức mà còn là nhu cầu kinh tế”, theo Tổng giám đốc ILO, ông Gilbert F. Houngbo.

Hoa Bùi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khong-the-phu-nhan-dong-gop-cho-tang-truong-kinh-te-cua-nguoi-lao-dong-di-cu-post535413.html