Không thể phủ nhận kết quả công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Thời gian qua, với phương châm 'nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào', công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tạo ra sự cảnh tỉnh, răn đe lớn.

Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG

Theo báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong cả nước đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng và gần 168.000 đảng viên; trong đó, có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.

Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý; trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Riêng trong năm 2022, có 3 ủy viên Trung ương bị xử lý hình sự; một số ủy viên Trung ương bị xử lý kỷ luật rồi xin thôi chức vụ; tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trên 160.000 tỷ đồng, thu hồi được hơn 27.400 tỷ đồng, tăng gần 18.000 tỷ đồng so năm 2021...

Với những kết quả đạt được, cho thấy sự quyết tâm của toàn Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, “không có vùng cấm”, không cả nể, bao che, bất kể người đó là ai.

Tuy nhiên, để đánh lạc hướng dư luận, bôi đen và phủ nhận những kết quả mà Đảng ta đạt được, các thế lực thù địch luôn cho rằng, cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là “cuộc chiến thanh trừng phe phái”, tham nhũng chính là “lỗi của hệ thống cộng sản” và cách tốt nhất để không còn tham nhũng chính là phá bỏ hệ thống cộng sản, thực hành đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập...

Đây là những luận điệu không mới, thậm chí nó đã trở thành con “át chủ bài” của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội dùng để chống phá đất nước ta. Khi Đảng ta đưa ra xét xử vụ án tham nhũng, chúng bảo đó là các cuộc “thanh trừng nội bộ”. Khi các vụ án còn trong quá trình điều tra, chưa đi đến kết luận thì chúng cho rằng Đảng đang “bao che”, “giơ cao đánh khẽ”...

Những việc này không nằm ngoài mục đích bôi đen, gây chia rẽ đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; từ đó, kích động bạo loạn hòng thay đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Ảnh: TẠP CHÍ BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Thực tế cho thấy, tham nhũng là một hiện tượng kinh tế - xã hội, gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Nó diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ở tất cả quốc gia trên thế giới, không phân biệt giàu, nghèo hay trình độ phát triển, càng không phụ thuộc vào chế độ chính trị.

Do đó, nếu nói độc đảng mới có tham nhũng, còn đa đảng thì không có tham nhũng, đây thực chất chỉ là sự ngụy biện, huyễn hoặc, “lập lờ, đánh lận con đen” của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị.

Việt Nam là nước đang phát triển, hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước... vẫn còn sơ hở và còn nhiều yếu kém, nên vấn đề tham nhũng xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Đảng ta cũng đã nhìn thấy điều đó, nên trong nghị quyết của mỗi kỳ đại hội, Đảng ta đều nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, cấp bách, lâu dài. Công tác này phải gắn liền với quá trình xây dựng Đảng và hoàn thiện Nhà nước.

Những kết quả đạt được nêu trên là minh chứng thuyết phục cho sự quyết tâm của Đảng ta trong việc loại bỏ những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, làm cho nội bộ Đảng được trong sạch, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Vậy nên, những luận điệu cho rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng chỉ là những “cuộc chiến thanh trừng phe phái”, đấu đá lẫn nhau và tham nhũng là “lỗi của hệ thống cộng sản” là hoàn toàn sai trái, phải được đấu tranh loại bỏ.

MINH VY

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/khong-the-phu-nhan-ket-qua-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-o-viet-nam-12266.html