Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài
Dù còn những hạn chế, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam.
5 đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài
Theo PGS, TSKH Nguyễn Mại: Một năm sau Đại hội VI, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 29/12/ 1997, tạo ra nền tảng pháp lý cho việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
Đánh giá về những đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế Việt Nam những năm qua, PGS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Khu vực kinh tế FDI đã góp phần hình thành một số ngành kinh tế như dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, sắt thép, dệt nay, da giày, một số dịch vụ tài chính, ngân hàng, kiểm toán, tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động gián tiếp với tiền lương và thu nhập cao hơn khoảng 20 - 30% bình quân cả nước, 22-24% vốn đầu tư xã hội, 55% sản lượng công nghiệp, hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, 20% thu ngân sách và 18% GDP.
“Đặc biệt, khu vực FDI đã chuyển giao một số công nghệ hiện đại, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động có kỹ năng, du nhập vào Việt Nam phương thức sản xuất, thương mại, dịch vụ tiên tiến phục vụ cho người dân Việt Nam” – PGS, TSKH Nguyễn Mại khẳng định.
Thừa nhận những mặt tích cực của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nền kinh tế, bà Dương Thị Vĩnh Hà - Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra 5 đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam, bao gồm: Thứ nhất, khu vực FDI đã đóng góp trực tiếp, quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc đóng góp vào vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu.
Thứ hai, khu vực FDI góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công bằng và thặng dư thương mại, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, gia tăng dự trữ ngoại hối và ổn định chính sách tiền tệ, tỷ giá cho Việt Nam.
Thứ ba, khu vực FDI thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó, tạo hiệu ứng lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, khu vực FDI thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sức ép cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Thứ năm, tạo việc làm ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước.
Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, có những đóng góp của FDI không thể “cân – đong – đo - đếm” bằng những con số nhưng có tác động rất lớn với Việt Nam trong hội nhập kinh tế, quốc tế. Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quang Thuấn - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương: FDI đã góp phần rất quan trọng trong thành tựu chung của Việt Nam thời gian qua, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài, kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện. Khu vực FDI cũng giải quyết tốt lao động, việc làm trong một thời kỳ dài.
"Dù nhìn ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, thì quản trị, công nghệ của khu vực FDI cũng có tác động rất nhiều đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Công nghệ của nước ngoài ở các doanh nghiệp FDI Việt Nam dù chưa chọn được công nghệ cao, nhưng với Việt Nam thì cũng là những công nghệ tiên tiến, tiên phong" - ông Nguyễn Quang Thuấn nêu.
Định hướng nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài từ Nghị quyết 50-NQ/TW
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến hết tháng 9/2024, cả nước có 41.314 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 491,71 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 314,5 tỷ USD, bằng gần 64% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Các doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 298,7tỷ USD, chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 71,5 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư; sản xuất, phân phối điện với gần 41,7 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Hiện có 148 quốc gia, vùng lãnh thổ hiện có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 88,3 tỷ USD, chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với hơn hơn 81,1 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc).
Đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với hơn 58,2 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội với gần 43,7 tỷ USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư; Bình Dương với hơn 42 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư.
Thừa nhận những đóng góp của khu vực FDI, nhưng theo các chuyên gia kinh tế bên cạnh những mặt tích cực, vẫn có hiện tượng, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm lợi nhuận và tận dụng nguồn lao động giá rẻ, tận dụng chính sách ưu đãi đầu tư.
Theo đó, để nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, bao gồm nguồn nhân lực, vật lực và tài lực, trong đó có nguồn lực FDI. Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
“Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị quyết số 50-NQ/TW, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã liên tục tăng, tạo ra nhiều giá trị tích cực cho nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – PGS, TS Nguyễn Hồng Sơn thông tin và cho rằng: Trong giai đoạn tới, đặc biệt là để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, vấn đề thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI vừa là yêu cầu cấp bách vừa có tính chiến lược đối với Việt Nam.