Không thể thiếu lực lượng CSGT xử lý nồng độ cồn trên đường phố
Trong thời gian qua, vẫn còn hiện tượng tài xế say xỉn, điều khiển ô tô gây tai nạn chết người. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc duy trì xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục là không thể thiếu trên đường phố.
“Ma men”vẫn xuất hiện trên đường phố
Thời gian qua, CSGT toàn quốc nói chung và CSGT Hà Nội nói riêng đã có hàng loạt chiến dịch xử lý vi phạm nồng độ cồn. Công tác phát hiện, xử lý vi phạm về nồng độ cồn diễn ra ngày đêm trên các tuyến đường, qua đó, tỷ lệ vi phạm cũng như các vụ tai nạn liên quan đến nồng độ cồn đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tại các tổ công tác làm nhiệm vụ vẫn phát hiện trường điều khiển phương tiện ngay sau khi sử dụng rượu bia. Một số vụ tai nạn nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia vẫn xảy ra. Mới đây, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn làm 1 người tử vong, nhiều người bị thương nặng khiến người dân không khỏi bàng hoàng.

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn do tài xế say xỉn.
Thời điểm xảy ra sự việc, xe ô tô BKS 30K - 730.XX do L.M.G điều khiển theo hướng đường Lê Trọng Tấn đi Khu đô thị Đô Nghĩa bất ngờ mất lái đã đâm, va vào nhiều xe máy khác. Trong đó, có xe máy BKS 29Y3 - 365.XX do chị L.T.H.G (SN1993, trú tại Hà Nội) điều khiển, chở theo hai con nhỏ.
Sau đó, ô tô trên tiếp tục húc mạnh vào ô tô BKS 30N - 035.XX đỗ phía trước bên phải cùng chiều khiến chiếc xe này lật nghiêng, va tiếp với ô tô BKS 29C - 168.XX đỗ phía trước bên phải cùng chiều rồi dừng lại.
Vụ tai nạn liên hoàn đã khiến anh Đ.Q.V (SN 1984, trú phường Dương Nội) tử vong tại chỗ; chị L.T. H.G cùng 2 con nhỏ được đưa vào bệnh viện cấp cứu, 1 bé bị thương nặng; 8 phương tiện bị hư hỏng.
Ngay trong đêm, lái xe L.M.G đã bị đưa về cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Quá trình làm việc, lực lượng công an thông tin, tài xế L.M.G có nồng độ cồn 0,861ml/01 lít khí thở. Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận tối cùng ngày đã uống rượu cùng bạn bè, sau đó điều khiển ô tô đi về và do buồn ngủ nên đã gây ra tai nạn.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia xã hội học thạc sĩ Nguyễn Văn Dương cho biết: “Theo quy định hiện nay, tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất có thể bị phạt tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Đối với người điều khiển xe máy, mức phạt cũng lên tới 10 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng. Người vi phạm thậm chí bị xử lý hình sự nếu để xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đánh giá, mức phạt nói trên là khá cao nếu so sánh với các hành vi vi phạm giao thông khác và so với chính thu nhập bình quân của người Việt Nam. Dù vậy, theo Cục CSGT, mỗi năm vẫn có cả trăm nghìn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị lực lượng công an phát hiện, xử lý”.
Theo vị chuyên gia này, hành vi vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn biến phức tạp và mang tính bộc phát cao. Do vậy việc duy trì lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trực tiếp trên đường vẫn là điều không thể thiếu. Sự hiện diện bất ngờ, linh hoạt của CSGT khiến nhiều tài xế phải dè chừng, kịp thời ngăn chặn những người say tham gia giao thông. Phòng ngừa phải đi trước, bằng cả sự răn đe hữu hình và hiệu ứng tâm lý từ những lần kiểm tra bất ngờ. Không thể chờ đến lúc tai nạn xảy ra rồi mới vào cuộc.
Kịp thời ngăn chặn
Để kịp thời ngăn chặn những "ma men" gây tai nạn giao thông, công tác kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn Thủ đô thời gian qua được triển khai thường xuyên, liên tục. Tối 27/7, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội tổ chức kiểm soát nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên đường Lạc Long Quân, phường Tây Hồ.

Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn ngày 27/7.
Tổ công tác bố trí lực lượng kiểm soát tại nhiều điểm trên tuyến, không cố định địa điểm để tạo sự bất ngờ, ngăn chặn hiệu quả tình trạng né tránh kiểm tra nồng độ cồn. Đây là biện pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông, nhất là vào khung giờ cao điểm buổi tối cuối tuần.
Trong gần 2 giờ làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 7 trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn. Hầu hết đều rơi vào độ tuổi từ 35 đến 50, có trường hợp chở theo cả gia đình khi tham gia giao thông.
Đơn cử, lúc 20 giờ 30 tại khu vực gần phố Trích Sài, tổ công tác phát hiện anh Đ.T.D (SN 1982, trú tại phường Tây Hồ, Hà Nội) điều khiển xe ô tô BKS 29D2 - 012XX có biểu hiện nghi vấn, qua kiểm tra, anh này có nồng độ cồn ở mức 0,125 mg/L khí thở. Anh D thừa nhận có uống bia từ chiều và cho rằng “chỉ vài lon thì không sao”.
Cá biệt, hồi 22 giờ, tại khu vực chợ Bưởi, tổ công tác kiểm tra người điều khiển xe mô tô BKS 29Y6 - 65XX là anh N.Q.N (trú tại phường Ngọc Hà), do đã uống rượu bia, anh này tìm nhiều cách trì hoãn việc kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, sau khi được giải thích về quy định pháp luật, anh N mới hợp tác và cho kết quả cho thấy anh N có nồng độ cồn ở mức 0,597 mg/L khí thở, đây là mức vi phạm cao nhất trong khung xử phạt.
Trung tá Nguyễn Văn Hải - Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 2 cho biết: “Trước mỗi ca làm nhiệm vụ, chúng tôi đều khảo sát kỹ tình hình giao thông từng tuyến, từ đó bố trí điểm kiểm tra hợp lý. Các vị trí kiểm soát được thay đổi liên tục, thậm chí nhiều điểm trong một ca, đây là biện pháp hữu ích nhằm tạo tính răn đe cao. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát vào các khung giờ, địa điểm có nguy cơ vi phạm cao, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc không thể tiếp tục nhân nhượng, dễ dãi với những "ma men" coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của cộng đồng.
Để dập tắt hiện tượng tiêu cực này khi vừa mới có dấu hiệu manh nha, thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, ngoài chế tài xử phạt cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức cho người dân. Vấn đề này có liên quan cả về dân trí và nhận thức pháp luật nên công tác đầu tiên là tuyên truyền luật lệ thường xuyên, không được buông lỏng. Thứ hai là duy trì công tác kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm.