Không thể thực hiện Đề án thu phí nội đô để giảm ùn tắc vào năm 2024?
Chuyên gia giao thông hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm ùn tắc nội đô nhưng triển khai, thực hiện thế nào để vừa có lợi cho dân, cho xã hội và vừa hợp lòng dân là điều quan trọng.
Đề án "Thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông" của Hà Nội đang gây tranh cãi.
Nhiều ý kiến cho rằng, Đề án không phải là giải pháp bền vững, nhân văn trong "công cuộc" trong giảm/chống ùn tắc ở khu vực nội thành Hà Nội. Mọi gánh nặng sẽ chỉ "đè" lên "túi tiền" người dân.
Bởi vấn đề cốt lõi gây ra ùn tắc trong nội thành Hà Nội chính là quy hoạch đô thị, cơ sở hạ tầng, mức tăng dân số.
Ông Nguyễn Hùng Thanh (46 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra tắc đường. Trong đó gốc rễ là công tác quy hoạch đô thị với số lượng nhà cao tầng "mọc" lên như "nấm", trong khi hạ tầng giao thông không thể hoặc chưa thể đáp ứng.
Bởi vậy, để giảm ùn tắc, giải pháp đồng bộ là quy hoạch tổng thể thành phố khoa học, hợp lý. Trong khi chờ hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạm thời không xây thêm nhà cao tầng.
Thứ hai, xây dựng các vành đai, đưa các cơ quan, xí nghiệp ra khỏi vùng lõi Thủ đô.
Thứ ba, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng như xe buýt điện, đường sắt trên cao, tiến tới tàu điện ngầm.
Thứ tư, đưa toàn bộ đường sắt quốc gia ra khỏi vùng ngoại ô.
Theo ông Thanh: "Chưa có quy hoạch thì giải pháp chưa căn cơ và sẽ gây ách tắc hơn vì người dân chưa có lựa chọn nào khác".
Đồng tình với ý kiến trên, bà Nguyễn Thị Mai (54 tuổi, ở Cầu Giấy) cho rằng: "Không thu sẽ không tắc, thu sẽ tắc ngay từ các cửa ngõ vào Thủ đô bởi quy hoạch hiện tại không phù hợp để bố trí thêm các trạm thu phí. Sau này nếu thu phí, chỉ nên thu phí xe từ ngoài vành đai 4 (vành đai 4 dự kiến đi vào hoạt động năm 2027)".
Ông Hà Văn Thái (32 tuổi, ở Mê Linh) nhận định, đề án thu phí vào nội đô để giảm ùn tắc sẽ không giải quyết được bài toán giảm các phương tiện giao thông lưu hành trong thành phố. Bởi những người từ ngoại ô sẵn sàng mua phí để vào nội đô khi có nhu cầu, dù mức phí cao hay thấp. Đơn cử như cấp cứu, khám chữa bệnh, nhập viện. Như vậy, vô hình chung, Hà Nội đang "đẻ" ra thêm một loại phí trong khi người đi xe đang phải nộp hàng chục loại phí khác.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm tùn tắc của Hà Nội. Tuy nhiên, "cái mà chúng tôi quan tâm đến là chủ quyền, chủ trương có đúng đắn, có lợi cho xã hội, cho dân và được lòng dân hay không (?)", ông Liên khẳng khái.
Theo ông Liên, triển khai Đề án sẽ phải giải quyết vấn đề, như chuyển đổi số, con người, mặt bằng…
Đầu tiên, Đề án có thể thực hiện khi và chỉ khi chuyển đổi số thành công. Nghĩa là mỗi xe ô tô phải được trang bị một thẻ trừ phí tự động, thông qua ngân hàng. Đi đến đâu, đến trạm nào, số tiền nộp phải hiện ra trước mắt người lái xe. Điểm này, một số nước trên thế giới đang thực hiện tốt, như Singapore.
Vấn đề thứ 2 cần giải quyết là Hà Nội không chỉ có 100 lối ra vào nội đô, mà có hàng trăm lối vào với đường dân sinh, ngõ ngách. Nếu người dân lựa chọn đường tránh để "né" thu phí, sẽ như thế nào?
Vấn đề thứ 3 cần giải quyết là xe các tỉnh có được vào nội đô không? Nếu không được vào, có cấm được không? Nếu được vào, phương án trông giữ xe ra sao? Lấy đất ở đâu làm bãi trông giữ xe hay sẽ làm tăng thêm tình trạng ùn tắc nội đô?
Ông Bùi Danh Liên khẳng định, việc thu phí rất phức tạp, không đơn giản.
Đề án giảm ùn tắc không phải là giải pháp thực sự để giảm ùn tắc, mà còn gây áp lực lên túi tiền người tiêu dùng. Bởi vào nội đô, không chỉ có trên dưới 100 trạm thu phí vào nội đô, mà ở các trục đường hướng về Hà Nội như cao tốc nội bài Lào Cai, Quảng Ninh… người dân cũng phải chi trả một khoản nhất định khi di chuyển tới Hà Nội.
"Hơn nữa, ô tô trước khi lăn bánh, người mua, người sử dụng phải đóng phí sử dụng đường bộ, chi phí cao tốc, giá xăng lên xuống, bây giờ, người đi ô tô phải chi trả thêm "phí vào nội đô", vậy chẳng khác nào phí chồng phí. Điều này rất trái khoáy bởi tất cả đều "đè" vào túi tiền người dân", ông Liên cho hay.
Ông Liên cho rằng, Hà Nội cần "giải quyết" đề xuất di dời các trụ sở cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ra khỏi nội đô và "giải quyết" quy hoạch hạ tầng. "Quy hoạch hạ tầng hiện đã có sự "lỗi" nhất định khi đoạn đường Lê Văn Lương chỉ hơn 2km mà có đến hơn 40 chung cư", ông Liên nói.
Cho nên, ông Liên cho rằng, đề án này chưa thể triển khai trong năm 2024. "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm/chống ùn tắc nhưng phương pháp thực hiện như thế nào để có lợi cho dân, cho xã hội, được dân đồng thuận, đồng lòng là quan trọng hơn cả. Hơn nữa, giải quyết ùn tắc có gây nên ùn tắc nội đô thì cần phải xem xét, cân nhắc, đánh giá kỹ hơn", ông Liên khẳng định.