Không thể trì hoãn thêm…

Theo dự thảo hồ sơ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân.

Cụ thể, phương án 1 sẽ điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất.

Căn cứ số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê, CPI lũy kế từ thời điểm tháng 7/2020 (khi mức giảm trừ 11 triệu đồng có hiệu lực) đến hết tháng 5/2024 đã tăng 13,34%. Dự báo cả năm 2024 và 2025, CPI sẽ tiếp tục tăng, đưa mức tăng lũy kế từ năm 2020 đến hết năm 2025 dự kiến đạt khoảng 21,24% - vượt ngưỡng 20% theo quy định của luật hiện hành. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất mức giảm trừ đối với người nộp thuế sẽ tăng từ 11 triệu đồng/tháng lên 13,3 triệu đồng/tháng, tương đương 159,6 triệu đồng/năm. Đối với mỗi người phụ thuộc, tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng, tương đương 63,6 triệu đồng/năm.

Bộ Tài chính cho rằng, phương án này đảm bảo tính pháp lý, có cơ sở rõ ràng và phản ánh sự bù đắp cho mức độ trượt giá của đồng tiền, giúp thu nhập thực của người dân không bị bào mòn bởi lạm phát.

Khác với phương án 1, phương án 2 được đánh giá là bước đột phá và tiệm cận với thực tiễn hơn khi gắn mức giảm trừ với tốc độ gia tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng trưởng GDP. Phương án này cũng thể hiện rõ việc chia sẻ thành quả tăng trưởng kinh tế của đất nước với người dân, thay vì chỉ bù đắp lạm phát. Theo đó, dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế và dự báo tốc độ tăng thu nhập danh nghĩa bình quân đầu người giai đoạn 2020 - 2025 ước tính khoảng 40 - 42%, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 11 triệu đồng/tháng lên 15,5 triệu đồng/tháng, tương đương 186 triệu đồng/năm. Đồng thời mỗi người phụ thuộc sẽ tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 6,2 triệu đồng/tháng, tương đương 74,4 triệu đồng/năm.

Kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã nhiều lần được nhắc đến, nhưng quan điểm của Bộ Tài chính vẫn là chưa thể thực hiện bởi các lý do như CPI biến động chưa tới 20%. Lý do nữa là mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay đang cao hơn 2,2 lần so với thu nhập bình quân đầu người, cao hơn nhiều so với mức phổ biến các nước đang áp dụng từ 0,5 - 1 lần. Và rằng việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng thuộc trong Chương trình xây dựng luật pháp lệnh của năm 2025…

Tuy vậy, đến thời điểm này, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đã được Bộ Tài chính cụ thể hóa trong dự thảo Nghị quyết là bước tiến rất lớn. Các ý kiến đều tán thành với việc phải điều chỉnh và cho rằng nên lựa chọn phương án 2 vì mức tăng 13,3 triệu đồng như phương án 1 dù có cơ sở pháp lý nhưng chưa thực sự phản ánh đúng gánh nặng chi phí mà người dân, nhất là tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn phương án 2 sẽ bảo đảm tính ổn định của chính sách bởi theo quy trình hiện nay, phải sau 5 năm sau, mức giảm trừ gia cảnh mới được xem xét điều chỉnh.

Tăng mức giảm trừ gia cảnh, dù theo phương án 1 hay 2 cũng đều làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn. Cụ thể, tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, nếu nâng mức giảm trừ gia cảnh theo phương án 2 sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 21.000 tỷ đồng. Còn theo phương án 1, ngân sách sẽ bị giảm 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ở góc độ rộng hơn, việc này sẽ góp phần đưa chính sách thuế phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội.

Thuế thu nhập cá nhân không chỉ là con số kỹ thuật mà là chính sách mang tính xã hội do đó cần được xây dựng trên nguyên tắc lợi ích, công bằng, hợp lý và tính hiệu quả của chính sách thuế... Nên, với những bất cập trong chính sách thuế đã được chỉ rõ thời gian qua, không thể trì hoãn thêm mà cần hành động nhanh chóng, kịp thời và dứt khoát.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-the-tri-hoan-them-10381171.html