Đề xuất áp thuế giao dịch tài sản số như chứng khoán
Tại Việt Nam ước tính có khoảng 21 triệu người đã đầu tư vào lĩnh vực tài sản số với tổng giá trị giao dịch hàng năm lên đến 100 tỷ USD.
Sẽ áp thuế giao dịch tài sản số
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề xuất thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số (gồm tài sản ảo, tài sản mã hóa) sẽ phải chịu thuế. Điều kiện áp dụng là mua bán thực hiện trên sàn giao dịch có quản lý minh bạch, công khai về giá và có tần suất thường xuyên.
Mức thuế suất dự kiến áp dụng là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng của từng lần giao dịch, tương tự đang áp dụng với chứng khoán.
Trước đây, hoạt động giao dịch, sở hữu tài sản số chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Song Luật Công nghiệp công nghệ số, được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2026, lần đầu quy định tài sản số là tài sản theo pháp luật dân sự hiện hành.
Dấu mốc này đã chấm dứt tình trạng nhiều năm mơ hồ về mặt pháp lý và ước tính khoảng hàng triệu người Việt Nam hiện đang nắm giữ tài sản số sẽ được công nhận và bảo vệ chính thức theo pháp luật. Đây cũng là cơ sở để cơ quan thuế áp dụng chính sách thuế tương ứng.
Theo báo cáo của Triple-A năm 2024, hơn 20% dân số Việt Nam sở hữu tài sản số. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm ba quốc gia đứng đầu về chỉ số chấp nhận crypto theo dữ liệu của công ty phân tích Chainalysis, với mức độ phổ cập cao gấp 3-4 lần so với trung bình toàn cầu.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Công nghiệp Công nghệ thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh giá tài sản số ứng dụng blockchain, hay token hóa tài sản là xu hướng không thể đảo ngược. Quan trọng hơn, những ứng dụng này còn mở ra cơ hội giao dịch, đầu tư xuyên biên giới.
Ông Lịch cũng lưu ý, với số lượng lớn người dân Việt Nam đang đầu tư vào tiền số, ước tính khoảng 21 triệu người với tổng giá trị giao dịch hàng năm lên đến 100 tỷ USD, thì việc xây dựng một hành lang pháp lý cho tài sản số là vô cùng cấp thiết.

Đề xuất áp thuế giao dịch tài sản số như chứng khoán. Ảnh: DN
Giao dịch tài sản số ở đâu?
Tại Việt Nam, tài sản số đã được công nhận và đã có đề xuất áp thuế, nhưng lại chưa có điều kiện giao dịch, cũng như sàn giao dịch.
Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị quyết v/v triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, cùng các quy định về "Điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ tổ chức thị trường giao dịch tài sản mã hóa".
Trong đó, gây chú ý là yêu cầu vốn điều lệ thực góp cho một sàn giao dịch tài sản số tối thiểu là 10.000 tỷ đồng. Con số này đang cao hơn cả ngành ngân hàng, bảo hiểm và hàng không.
Ngoài con số 10.000 tỷ đồng, dự thảo Nghị quyết còn quy định tỷ lệ 35% vốn phải đến từ ít nhất hai tổ chức thuộc nhóm: ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, công ty công nghệ.
Với 65% vốn góp còn lại, yêu cầu cổ đông là các tổ chức và không phải là nhà đầu tư cá nhân. Lý giải về một loạt những quy định có phần "thận trọng", ông Tô Trần Hòa, Phó trưởng ban phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường tài sản số còn mới mẻ và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên cần có sự tham gia của các tổ chức đã có nền tảng vững chắc về tài chính.
Còn theo ông Mai Huy Tuần, CEO SSI Digital, việc đưa ra những điều kiện về vốn là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
"Đây cũng có thể được xem là cách để Việt Nam thu hút những dòng vốn đầu tư chất lượng cao, khi các đơn vị quốc tế muốn tham gia vào sàn giao dịch sẽ phải lựa chọn đối tác một cách kỹ càng và có trách nhiệm", ông Tuần nói.
CEO SSI Digital tiết lộ, thời gian qua, doanh nghiệp đã làm việc với nhiều quỹ đầu tư hàng đầu và đã đạt được cam kết nhất định về nguồn vốn, cũng như cách thức triển khai và đầu tư vào thị trường Việt Nam khi các điều kiện pháp lý được hoàn thiện.
"Đó là những dòng vốn có giá trị gia tăng cao. Mảng công nghệ số khi được phát triển đúng cách sẽ tạo ra sức bật rất lớn cho nền kinh tế", ông Tuấn nhấn mạnh.