Không thể xuyên tạc sự thật về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Những năm qua, Đảng và nhà nước nêu cao quyết tâm chính trị và kiên quyết phòng, chống, khắc phục tham nhũng, coi đó là 'giặc nội xâm' cần phải kiên quyết đấu tranh loại ra khỏi đời sống xã hội. Song, đi ngược lại với thực tế và sự quyết tâm đó, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nỗ lực và những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng bằng những hoạt động đáng lên án.

Trước tình trạng một số cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo cấp cao vướng vào tham nhũng. Trên khắp các diễn đàn, trang blog, Fanpage, Facebook, YouTube, TikTok… của các trang phản động, như: Việt Tân, Chân Trời Mới Media, RFA Viet Nam, BBC News Tiếng Việt… đã lên tiếng xuyên tạc, phủ nhận công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam chỉ là cách mà Đảng “che mắt thế gian theo kiểu đánh ai và ai đánh?”; “ta đánh mình, mình đánh ta”...

Có ý kiến cho rằng, tình trạng tham nhũng như hiện nay bắt nguồn từ “chế độ một Đảng duy nhất ở Việt Nam”, “tham nhũng là căn bệnh nan y của chế độ độc Đảng cầm quyền”. Đảng và nhà nước ta nhiều lần phát động đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng thực chất chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”. Vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam “không có hiệu quả”, “không có chuyển biến”.

Đi ngược lại với những luận điệu xuyên tạc của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, thực tế là minh chứng rõ ràng nhất cho những quyết tâm và nỗ lực của Đảng, nhà nước, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Có thể nhận thấy, qua mỗi nhiệm kỳ đại hội, tinh thần chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt hơn, thực chất hơn với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Bất kể người đó là ai, đang giữ chức vụ hay đã nghỉ hưu, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước và trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta suốt thời gian qua đã đạt những thành tựu quan trọng.

Đặc biệt, trong 10 năm qua (giai đoạn 2022-2022), công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, nhận được sự đồng tình, tin tưởng của quần chúng nhân dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”.

Năm 2022 và những ngày đầu năm mới 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, với quyết tâm chính trị cao hơn, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn. Nhất là gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm, miễn nhiệm, từ chức theo quy định của Đảng, nhà nước, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Chỉ tính riêng trong năm 2022, cả nước thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV); các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút.

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng hơn gấp 2 lần so năm 2021).

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan chống tham nhũng được chú trọng, tăng cường; trong năm 2022, đã xử lý kỷ luật trên 200 cán bộ, công chức của các cơ quan này có sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự 74 trường hợp. Năm qua, cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so năm 2021). Công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản trị giá trên 364.000 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so năm 2021); cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 27.400 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so năm 2021).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, qua 10 năm, nhận thức đối với công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng sâu, quyết tâm ngày càng cao hơn, cách làm ngày càng bài bản hơn, số lượng vụ án đưa ra xử lý ngày càng nhiều trên hầu hết các lĩnh vực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục, ngăn ngừa là chính.

Những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Minh chứng cho điều đó là niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước ngày càng được củng cố, vị thế, uy tín của Đảng và nhà nước được nâng lên trên mọi phương diện. Đó cũng là luận cứ thuyết phục nhất, xác đáng nhất nhằm khẳng định sự công minh, quyết tâm rất lớn của Đảng, nhà nước cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

MINH THƯ

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/khong-the-xuyen-tac-su-that-ve-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-o-viet-nam-a356052.html