Không theo trào lưu nghịch dại, thiếu lành mạnh trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện trào lưu độc hại, quái dị, thậm chí gây nguy hiểm cho người tham gia nhưng vẫn thu hút nhiều người sử dụng MXH bắt chước, làm theo.

Hành động đu trend “bắt pen” được nhóm học sinh đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Hành động đu trend “bắt pen” được nhóm học sinh đăng tải trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Trào lưu “bắt pen”, uống trà sữa trộn hột vịt lộn

MXH đang lan truyền trào lưu “bắt pen” và được giới trẻ làm theo, nhất là học sinh trong các trường học. Trào lưu này yêu cầu người tham gia ấn mạnh vào mạch máu ở cổ của người khác để tạo cảm giác lâng lâng, “phê pha giả tạo”. Theo các clip lan truyền trên MXH, người bị “bắt pen” thường ngất xỉu trong thời gian ngắn và phải được lay hoặc tát để tỉnh lại.

Em P.Q.V. (13 tuổi), học sinh một trường trung học cơ sở ở thành phố Biên Hòa, cho biết sau khi xem các clip trên MXH, em và bạn bè cũng thử “bắt pen” vì tò mò muốn trải nghiệm cảm giác mới lạ.

“Khi bị ấn vào hai bên cổ, em cảm thấy như mọi thứ xung quanh quay cuồng. Có lúc em hoa mắt, cảm giác như bị mất thăng bằng, rất chóng mặt, làm em rất sợ. Ban đầu, em tham gia trò chơi chỉ vì tò mò và muốn “đu trend” mà không nghĩ việc này là nghịch dại, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Giờ em sợ rồi, không bao giờ dám “đu trend” kiểu này nữa” - em P.Q.V. cho biết.

Ngoài ra, trên MXH còn rộ lên trào lưu ăn uống gây nguy hại. Chẳng hạn như: trà sữa trộn hột vịt lộn hay trà sữa trộn trứng bắc thảo, trà sữa pha mắm tôm. Điển hình là tài khoản TikTok vuonoc_wongnai đã đăng tải các clip giới thiệu món trà sữa trộn hột vịt lộn hay trà sữa trộn trứng bắc thảo. Phía dưới phần bình luận bài đăng này, nhiều người đã bày tỏ sự ngạc nhiên và lo lắng về nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ món ăn này.

Ngoài những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe nêu trên, không ít người sử dụng MXH còn “nghịch dại” bằng cách lan truyền thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, bị xử phạt hành chính. Vừa qua, Công an huyện Xuân Lộc đã phát hiện và xử lý một trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật lên MXH Facebook gây hoang mang dư luận.

Cụ thể, tối 17-9, tài khoản Facebook “Tôi Yêu Xuân Lộc” đăng tin sai sự thật với nội dung: “Vào lúc 23 giờ xảy ra một vụ cướp tài sản tại đường Xuân Hiệp - Lang Minh, đoạn qua hầm chui đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc. Nạn nhân bị cướp bóp, nhẫn, dây chuyền”, kèm theo đó là hình ảnh “nạn nhân bị thương”, gây hoang mang cho người dân.

Ngay sau đó, Công an huyện Xuân Lộc đã làm việc với H.N.M. (sinh năm1992, ngụ xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc), chủ tài khoản Facebook “Tôi Yêu Xuân Lộc”, và M.H.N.P. (sinh năm 2003, ngụ xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ), “nạn nhân” trong bài đăng. Tại cơ quan công an, chị M.H.N.P. xác nhận không có vụ cướp tài sản nào xảy ra như đã đăng tải. Riêng anh H.N.M. thừa nhận hành vi vi phạm của mình và chủ động gỡ bỏ nội dung đã đăng tải, đồng thời cam kết không tái phạm.

Bác sĩ Cao Thế Sơn, Khoa Thận - nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết bệnh thận có thể được phát hiện sớm thông qua các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và kiểm tra chức năng thận. Vì vậy, ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, uống đủ nước và cân bằng chế độ dinh dưỡng, người dân cũng cần chú ý đến sức khỏe bằng cách theo dõi tình trạng nước tiểu thường xuyên. Việc này sẽ giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường, từ đó ngăn ngừa và điều trị kịp thời các vấn đề về thận.

Những cảnh báo về sức khỏe, an toàn

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bác sĩ Đặng Hà Hữu Phước khuyến cáo việc tham gia trào lưu “bắt pen” có thể gây ra tác hại như thiếu máu não. Vì thực hiện ấn vào 2 động mạch cảnh vài giây sẽ không gây nguy hiểm, nhưng nếu ấn lâu có thể gây ra thiếu máu não trầm trọng. Khi máu không được cung cấp đủ cho não, có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu hoặc thậm chí là tổn thương não. Các tế bào não bị thiếu máu 5 phút sẽ không thể phục hồi. Ngoài ra, hành động “bắt pen” có thể kích thích một số phản xạ trong cơ thể, dẫn đến ngưng tim đột ngột; chấn thương mạch máu, thần kinh vùng cổ vì áp lực mạnh lên cổ có thể gây chấn thương cho các cấu trúc xung quanh, bao gồm dây thần kinh, mạch máu và các tổ chức mô mềm xung quanh. Trong một số trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến tử vong.

Theo bác sĩ Cao Thế Sơn, Khoa Thận - nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, ngay với cả trà sữa truyền thống cũng không nên sử dụng quá thường xuyên. Đây là đồ uống cao năng lượng, gây tăng cân, béo phì nhanh chóng, nhất là suy thận nhanh. Huống gì, trà sữa còn trộn hột vịt lộn, trà sữa trộn trứng bắc thảo, pha mắm tôm càng trở thành loại thực phẩm không lành mạnh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Những loại thức uống này chứa rất nhiều đường, chất béo và các chất bảo quản, có thể gây áp lực lên chức năng thận, lâu dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy thận trong giới trẻ ngày càng tăng” - bác sĩ Cao Thế Sơn nhấn mạnh.

Bác sĩ Sơn cũng chỉ ra rằng, sự gia tăng bệnh suy thận ở người trẻ hiện nay chủ yếu do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống không hợp lý, gây ra nhiều bệnh nền nguy hiểm như: tăng huyết áp, đái tháo đường, dễ dẫn đến suy thận.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (thành phố Biên Hòa), số bệnh nhân mắc bệnh suy thận chữa trị ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, bệnh chủ yếu xuất hiện ở những người có độ tuổi khoảng 60, nhưng nay bệnh nhân ở độ tuổi 18-35 cũng không hiếm.

Chị B.T.H. (32 tuổi, ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, do thói quen thường xuyên uống ngọt từ sớm và sử dụng liều lượng nước ngọt cao nên chị mắc bệnh suy thận độ 3. Hiện nay, chị phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ 3 lần/tuần để chạy thận.

Để phòng tránh suy thận, theo bác sĩ Cao Thế Sơn, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh với các biện pháp cụ thể như: giảm muối trong khẩu phần ăn, uống đủ nước mỗi ngày (2 lít/ngày) và duy trì thói quen vận động thường xuyên. Đồng thời, việc thực hiện cân đối chế độ dinh dưỡng, bao gồm cả đạm từ động vật và thực vật, cũng đóng vai trò quan trọng.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc không rõ nguồn gốc và nên thường xuyên theo dõi sức khỏe bằng cách kiểm tra huyết áp, đường huyết và chức năng thận, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao như: bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp, hoặc béo phì.

Đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội TikTok với nội dung món trà sữa hột vịt lộn gây lo lắng.

Đoạn video clip được đăng tải trên mạng xã hội TikTok với nội dung món trà sữa hột vịt lộn gây lo lắng.

Trao đổi về tình trạng giới trẻ đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 37, Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua MXH, quy định đối với các hành vi lợi dụng MXH để thực hiện hành vi như: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân hay cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Cũng tại điểm a, khoản 3, Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP nêu rõ, đối với các trang tin điện tử, hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.

Do đó, luật sư Nguyễn Đức khuyến cáo cần cẩn trọng khi đăng, chia sẻ thông tin trên MXH. Cần tham khảo, kiểm chứng thông tin tại các nguồn tin đáng tin cậy như: các website của cơ quan chức năng, cơ quan báo chí chính thống…; tuyệt đối không đăng thông tin xúc phạm người khác trên MXH để tránh vi phạm pháp luật.

Lê Duy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/khong-theo-trao-luu-nghich-dai-thieu-lanh-manh-tren-mang-xa-hoi-4f97549/