Không thu hẹp đối tượng xử phạt hành chính về sở hữu trí tuệ
Sáng 28/3, cho ý kiến vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), đa số các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tán thành với việc không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT.
Tại hội nghị, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng cần phân biệt rõ vi phạm về SHTT trong các giao dịch dân sự và vi phạm về SHTT trong trật tự quản lý hành chính Nhà nước. Theo đại biểu, việc giữ nguyên quy định như hiện hành, không thu hẹp đối tượng xử lý vi phạm hành chính là có cơ sở cả về lý thuyết, thực tiễn và cũng không mâu thuẫn gì với việc vừa xử lý hành chính, lại vừa giải quyết tranh chấp bằng cơ chế dân sự tại tòa án.
Tán thành quan điểm không nên thu hẹp, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng nên mở rộng và tăng tính chủ động của Nhà nước trong việc xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đại biểu này phân tích, về cơ chế bảo vệ quyền SHTT, hiện có cả cơ chế chủ động từ Nhà nước và cơ chế chủ động từ người có quyền lợi, nghĩa vụ, có nghĩa theo cơ chế dân sự thì họ khởi kiện. Nhưng Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng với 2 công cụ pháp lý là xử lý hành chính và công cụ hình sự.
"Để xử lý hình sự phải chứng minh rất nhiều vấn đề, rất khó, cho nên tôi cho rằng vấn đề trụ cột và biện pháp xử lý chủ yếu vẫn là xử lý hành chính và vai trò xử lý hành chính chúng ta phải mở rộng hơn, không phải là thu hẹp đi. Coi đây là công cụ chủ yếu để có thể xử lý nhanh, kịp thời đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT", đại biểu Long nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) bày tỏ "đồng ý một nửa" với luồng quan điểm không đồng tình về thu hẹp đối tượng xử lý vi phạm hành chính.
Theo đại biểu, do mức độ quan tâm của xã hội với tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp chưa nhiều, nên số vụ việc được đề nghị đưa ra tòa chưa lớn. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, chúng ta sẽ sử dụng nhiều sản phẩm nước ngoài và có thể xảy ra tranh chấp với các bên nước ngoài.
Do đây là xu hướng phát triển cả kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế, đại biểu đề nghị phải có nghiên cứu về vấn đề này. Đại biểu cũng cho rằng, nếu chỉ thực hiện theo biện pháp hành chính thì nhiều trường hợp không đủ sức răn đe.
"Rất nhiều trường hợp vừa qua trong rất nhiều lĩnh vực phạt để cho tồn tại. Việc nộp phạt hành chính có lợi hơn rất nhiều so với lợi nhuận của người ta thu được trong quá trình vi phạm những vấn đề về thương mại, những vấn đề về kiểu dáng công nghiệp hay là vấn đề về hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp và nhiều tư nhân sẵn sàng chấp nhận xử phạt hành chính", đại biểu nói.
Theo phân tích của đại biểu Thành, nếu chỉ xử phạt hành chính sẽ không phù hợp với các thông lệ quốc tế. Do đó, đại biểu kiến nghị cần có sự phân loại, những vụ việc, những vấn đề lớn thì bắt buộc phải xử lý tại tòa bằng các tòa khác nhau. Nếu như vi phạm nhỏ thì có thể xử lý hành chính. Nếu như trường hợp vi phạm tái diễn hoặc là tranh chấp thì lúc đấy bắt buộc phải xử lý ở tòa.
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, pháp luật hiện hành quy định xử phạt hành chính với tất cả các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Nếu thu hẹp, không xử phạt hành chính với các vi phạm sở hữu công nghiệp thì sẽ phải chuyển sang xử lý theo tố tụng dân sự, trong khi đặc điểm của tố tụng dân sự là tốn kém về thời gian và chi phí; ưu điểm của xử phạt hành chính là nhanh gọn, thủ tục đơn giản, chi phí thấp và có thể xử lý chấm dứt ngay các hành vi vi phạm quyền SHTT.
Thêm vào đó, khi xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì không làm hạn chế quyền khởi kiện ra tòa để đòi bồi thường thiệt hại. Việc xử lý hành chính cũng bảo đảm vai trò chủ động của cơ quan Nhà nước trong việc phát hiện hành vi phạm và xử lý ngay, còn tố tụng dân sự thì "việc dân sự cốt ở đôi bên", nếu các bên đương sự không khởi kiện thì vi phạm vẫn còn đó, không xử lý được.
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc giữ lại xử phạt hành chính là rất cần thiết bởi pháp luật về SHTT của chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện; nhận thức của người dân, của các tổ chức, cá nhân về chấp hành pháp luật, về thực thi pháp luật về SHTT còn chưa đạt được mong muốn.