'Không thu phí vào nội đô ngày nghỉ lễ, cuối tuần, khung giờ đêm'
Theo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, mức thu phí vào nội đô sẽ thay đổi linh hoạt theo các khung giờ và không thu ngày cuối tuần, nghỉ lễ.
Với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường cho thành phố, Hà Nội dự kiến đến từ nay đến năm 2025 sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Dự kiến mức phí thu giờ cao điểm ngày thường (các ngày làm việc trong tuần) đối với các ô tô là 50.000đ/lượt.
Thông tin thêm về các đối tượng thu phí, miễn phí, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội cho biết, Đề án xác định chỉ thu phí ô tô di chuyển từ bên ngoài Vành đai 3 vào trong khu vực thu phí có nguy cơ ùn tắc giao thông. Nhóm xe được miễn phí gồm: Xe ưu tiên theo quy định hiện hành, xe công an, quân đội, xe cứu thương, xe cứu hỏa; xe công vụ; xe buýt công cộng...
Nhóm xe được giảm phí gồm ô tô của các doanh nghiệp công ích, ô tô kinh doanh vận tải hành khách (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe vận tải trung chuyển hành khách); vận tải nội bộ từ 10 chỗ trở lên (bao gồm cả lái xe); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa (xe taxi tải, xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường, xe kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp); ô tô từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả lái xe) của hộ gia đình trong khu vực thu phí, ô tô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí.
Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.
Theo kết quả điều tra xã hội học cho thấy, mức phí người dân chấp nhận được là 22,3 nghìn đồng (năm 2019) và 31,8 nghìn đồng (năm 2022). Nếu tiến hành thu phí ở mức này sẽ có 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ô tô con, số còn lại sẽ chuyển sang phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí.
Để xác định được khoảng phí tối thiểu - tối đa, các kết quả về giảm lưu lượng giao thông và tổng tiền phí thu được dự báo lần lượt theo các mức phí 25.000đ - 60.000đ/ lượt nhằm xác định hiệu quả giảm ùn tắc giao thông tương ứng từng mức phí.
Dựa trên các nguyên tắc và căn cứ xác định mức thu nói trên, mức phí giờ cao điểm, ngày thường đối với các xe ô tô được giảm phí sẽ là 10.000đ/ lượt, tỷ lệ xe taxi dưới 9 chỗ trở xuống được giảm phí là 10%, xe ô tô cá nhân được miễn phí 15%.
Đáng chú ý, mức thu linh hoạt thay đổi theo các khung giờ (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho các phương tiện.
Giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 9h00 và cao điểm chiều từ 16h00 - 19h30. Không thu các giờ đêm từ 21h00 - 5h00. Các giờ còn lại mức phí bằng 50% giờ cao điểm. Không thu ngày cuối tuần, ngày lễ.
Dự kiến với mức phí này, giai đoạn 1 (thí điểm 15 cổng) thu được khoảng hơn 483 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 2 (thêm 59 cổng) khoảng hơn 714 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 3 (thêm 13 cổng) đạt khoảng hơn 785 tỷ đồng/năm.
Số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm. Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của TP Hà Nội.
Lo ngại giảm ô tô, tăng xe máy vào nội đô
Liên quan đến Đề án trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thu phí ô tô khi mà phương tiện công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì họ sẽ chuyển sang đi xe máy cho tiết kiệm. Vì thế lượng xe cộ vào trung tâm TP Hà Nội vẫn tăng, kéo theo ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
Do vậy người dân kiến nghị thành phố nên có nhiều giải pháp đồng bộ để giảm ùn tắc thay vì chỉ thu phí. Hoặc phải lùi đến năm 2030 khi Hà Nội hạn chế cả xe máy và nhiều tuyến đường sắt đô thị hoàn thành thì Đề án này mới khả thi.