Không tranh cử, Musk vẫn muốn thay đổi cuộc chơi quyền lực?
Dù không thể tranh cử Tổng thống nhưng qua việc khởi động một hành trình chính trị không giống ai, Elon Musk vẫn thể hiện rõ tham vọng định hình lại trật tự quyền lực tại nước Mỹ.

Thông báo lập một đảng mới được tỷ phú Musk đưa ra ngày 5/7 trên nền tảng mạng xã hội X, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump ký ban hành đạo luật chính sách trong nước lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ. Musk trước đó đã chỉ trích dữ dội dự luật này, cho rằng nó sẽ làm tăng nợ công liên bang.
“Khi nói đến việc phá sản quốc gia vì lãng phí và tham nhũng, chúng ta đang sống trong một hệ thống độc đảng, không phải nền dân chủ. Hôm nay, đảng nước Mỹ được thành lập để trao lại quyền tự do cho các bạn”, Musk viết.
Canh bạc chính trị
Vào ngày 4/7 - đúng dịp Quốc khánh Mỹ - Musk tung ra một khảo sát trên X với câu hỏi: “Bạn có muốn độc lập khỏi hệ thống hai đảng không?” Kết quả: hơn 1,2 triệu lượt phản hồi, với tỷ lệ ủng hộ lên tới 2:1.
Ngay sau đó, ông tuyên bố chính thức thành lập "đảng nước Mỹ" và chia sẻ hình ảnh chế biểu tượng rắn hai đầu - ám chỉ hệ thống Dân chủ - Cộng hòa hiện nay. Một lần nữa, phong cách thẳng thừng không vòng vo của Musk lại được thể hiện.
Ngay lập tức, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Musk muốn tranh cử Tổng thống? Câu trả lời là: không thể, ít nhất là về mặt pháp lý.
Hiến pháp Mỹ (Điều II, Khoản 1) quy định chỉ công dân sinh ra tại Mỹ mới đủ điều kiện làm Tổng thống, CNN cho biết. Musk sinh tại Nam Phi và từng thẳng thắn nói: “Tôi không thể làm tổng thống vì sinh ra ở châu Phi”.
Dẫu vậy, ông cũng chưa bao giờ thực sự tha thiết với chiếc ghế này. Trong thời gian còn ủng hộ Trump năm 2024, Musk từng tuyên bố: “Tôi không muốn làm tổng thống. Tôi chỉ muốn chế tạo tên lửa và xe hơi”.

Elon Musk tuyên bố "đảng nước Mỹ" đã được thành lập vào ngày 5/7 trên mạng xã hội X.
Song, Musk cũng không giấu mong muốn tham gia vận hành bộ máy chính phủ: “Tôi hy vọng Trump sẽ đắc cử và khi đó tôi sẽ làm việc hết mình ở Cơ quan Hiệu quả Chính phủ (DOGE)”.
Giọt nước tràn ly là khi Quốc hội thông qua dự luật “to, đẹp” - đạo luật cắt bỏ khoản ưu đãi 7.500 USD dành cho xe điện, khiến công ty xe điện Tesla của Musk bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngay sau đó, ông lên tiếng cảnh báo: “Nếu dự luật điên rồ này được thông qua, đảng nước Mỹ sẽ được ra đời”. Và Musk đã giữ đúng lời.
Sự bất mãn với hệ thống hai đảng vốn đã âm ỉ lâu nay trong Musk. Ông thường xuyên kêu gọi cần một thế lực thứ ba để phá vỡ cục diện “song trụ” cũ kỹ tại Washington. Với Musk, hệ thống hiện nay vừa bảo thủ vừa cồng kềnh, đang kìm hãm đổi mới, “trừng phạt ngành công nghiệp tương lai như xe điện” và “nuôi dưỡng các lĩnh vực lỗi thời”.
Tờ Economic Times nhận định "đảng nước Mỹ" đang là canh bạc mới nhất của Elon Musk để định hình lại nền chính trị Mỹ - giống như cách ông từng làm với ngành công nghiệp xe điện và không gian. Đó có thể là nỗ lực cải cách nghiêm túc, hoặc chỉ đơn giản là một cú nổ truyền thông. Chỉ có thời gian, và vài tỷ USD nữa, mới trả lời được.
Những ứng viên tiềm năng
Việc Musk thành lập đảng mới ngay lập tức kéo theo những đồn đoán về đội ngũ lãnh đạo tương lai. Theo Laura Loomer - một nhân vật thân Trump - những cái tên tiềm năng bao gồm: nhà báo bảo thủ Tucker Carlson, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (MTG), Thomas Massie. Thậm chí, tên của Thống đốc Ron DeSantis cũng được đưa ra, dù chưa có bằng chứng nào cho thấy ông quan tâm.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky, Thomas Massie, là một trong những người đầu tiên được nhắc đến như một đồng minh tiềm năng của Musk.
Với lập trường chống chi tiêu công mạnh mẽ, Massie đã bỏ phiếu chống lại dự luật “to, đẹp” - dự luật thuế và chi tiêu gây tranh cãi do ông Trump hậu thuẫn, và cũng là ngòi nổ dẫn đến việc Musk thành lập Đảng Mỹ. Ông cũng được cho là có nhiều điểm tương đồng với Musk về tư duy cải tổ, sự thẳng thắn và tinh thần chống hệ thống.

Hạ nghị sĩ Thomas Massie được đánh giá một trong những ứng viên tiềm năng trong đảng mới của Musk. Ảnh: Reuters.
Ứng viên tiếp theo là Cựu ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ năm 2020, Andrew Yang, hiện là người đồng sáng lập Đảng Forward - một đảng trung dung. Yang từng công khai tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Elon Musk, vì cả hai cùng chia sẻ niềm tin vào công nghệ, đổi mới và sự cần thiết phải vượt qua hệ thống hai đảng truyền thống, theo Politico.
Sự hiện diện của Yang có thể mang lại cho đảng nước Mỹ tính hợp pháp về mặt tổ chức và nền tảng cử tri. Trong một hệ sinh thái chính trị ngày càng cực đoan hóa, Yang đại diện cho lớp cử tri ôn hòa, mệt mỏi với những cuộc chiến đảng phái triền miên.
Tucker Carlson - cựu MC nổi tiếng của Fox News - có thể là một quân bài truyền thông chiến lược. Sau khi rời kênh truyền hình, ông chuyển sang hoạt động độc lập trên nền tảng X và duy trì quan hệ thân thiết với Musk. Nếu tham gia, Carlson có thể giúp đảng nước Mỹ nhanh chóng khuếch trương ảnh hưởng trong giới cử tri bảo thủ.
Một gương mặt gây tranh cãi khác là MTG - nữ nghị sĩ nổi tiếng với các phát ngôn cực đoan và tinh thần chống thiết chế mạnh mẽ. Nếu Musk chọn hướng tiếp cận “phá hủy để tái thiết”, MTG có thể là “quân bài hoang dã” nhằm khuấy động nền tảng cử tri bất mãn.
Nếu Musk chọn hướng đi “đập phá” hơn là ôn hòa cải cách, Greene có thể trở thành một quân bài chiến lược, ít nhất là để gây chú ý trong giai đoạn đầu.
Dù chưa có động thái chính thức nào, tên của Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cũng đã được nhắc đến. Là đối thủ nặng ký của Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ Cộng hòa, DeSantis sở hữu một hồ sơ hành chính mạnh, khả năng gây quỹ tốt và không hoàn toàn gắn bó với hệ thống Cộng hòa truyền thống.
Tuy nhiên, việc DeSantis sẽ rời bỏ đảng Cộng hòa để đi theo Musk vẫn còn là một dấu hỏi lớn, nhất là khi ông vẫn nuôi tham vọng tranh cử Tổng thống.
Ngoài những nhân vật kể trên, nhiều tỷ phú Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm đến đảng mới mà Musk tuyên bố thành lập. Tỷ phú Mark Cuban - người từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ việc phá vỡ hệ thống chính trị hai đảng tại Mỹ - mới đây tiếp tục bày tỏ thiện chí với ý tưởng thành lập đảng mới do Elon Musk đề xuất, Business Insider cho hay.

Tỷ phú Mark Cuban bày tỏ sự quan tâm với đảng mới của Elon Musk. Ảnh: Reuters.
Đáp lại thông báo hôm 5/7 của Musk, Cuban đăng loạt biểu tượng pháo hoa và ngọn lửa rực rỡ, ngầm cổ vũ cho sáng kiến chính trị này. Trong một bài đăng khác, Cuban viết: “Tôi đang hợp tác với @voterchoice. Họ có thể giúp anh đưa tên lên lá phiếu. Đó chính là sứ mệnh của họ”.
Anthony Scaramucci, nhà sáng lập quỹ SkyBridge Capital và cựu Giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời Donald Trump năm 2017, cũng tỏ ra quan tâm đến đề xuất của Musk. Ông nhắn công khai: “Tôi muốn gặp để trao đổi thêm. Tin nhắn của tôi luôn mở.”
Mô hình “CEO chính trị”?
Dù không thể lãnh đạo trực tiếp "đảng nước Mỹ", Musk có thể sẽ vẫn duy trì tầm ảnh hưởng của mình theo một cách khách biệt và phi truyền thống tại chính trường tại Washington.
Khi được hỏi liệu đảng nước Mỹ sẽ hướng đến bầu cử giữa nhiệm kỳ hay năm 2028, Musk trả lời ngắn gọn: “Năm sau”. Điều này cho thấy ông muốn đảng của mình tham chiến ngay trong kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ 2026, với mục tiêu nhắm vào Hạ viện và Thượng viện.
Dù không cung cấp chi tiết cụ thể nào về tổ chức hay nhân sự, Musk hé lộ rằng đảng nước Mỹ sẽ nhắm vào những cuộc đua quan trọng tại Quốc hội Mỹ, đặc biệt là ở Thượng viện và Hạ viện - nơi chỉ cần vài ghế là có thể xoay chuyển cán cân quyền lực.
“Một cách tiếp cận hiệu quả là tập trung vào 2-3 ghế Thượng viện và khoảng 8-10 ghế Hạ viện”, Musk viết trên X vào ngày 4/7. “Với chênh lệch quyền lực sít sao như hiện nay, chỉ cần số ghế đó cũng đủ để trở thành lá phiếu quyết định cho các dự luật gây tranh cãi - đảm bảo rằng luật thực sự phản ánh ý chí của người dân”.

Musk chỉ nhắm đến “2-3 ghế Thượng viện và 8-10 ghế Hạ viện” nhằm kiểm soát các luật với tư cách “lá phiếu quyết định”. Ảnh: Reuters.
Chiến lược này tương tự cách một CEO điều hành tập đoàn đa quốc gia - không cần sở hữu 100% cổ phần, chỉ cần quyền biểu quyết đủ mạnh để điều hướng hội đồng quản trị. Trong trường hợp này, “hội đồng” chính là Quốc hội Mỹ.
Đáng chú ý, tham vọng về một hướng đi chính trị kiểu mới của Musk không chỉ bây giờ mới xuất hiện. Musk từng vận hành DOGE theo đúng phong cách của thung lũng Silicon, với phương châm “hành động nhanh, phá vỡ mọi rào cản”, không quan tâm nhiều đến quy chuẩn chức danh hay hợp đồng lao động kiểu cũ.
Tuy nhiên, sự mâu thuẫn với các chính trị gia “truyền thống, giàu kinh nghiệm” và việc chưa thể thích ứng với bộ máy hoạt động tại Washington đã khiến ông gác lại giấc mộng dẫn dắt một “bộ siêu hiệu quả” mà ông từng hình dung để tái cấu trúc chính phủ theo tinh thần quản trị doanh nghiệp công nghệ.
Tuyên bố thành lập “đảng nước Mỹ” có thể là bước đi mang tính chiến thuật - một sự phản kháng công khai của Musk trước chính quyền mà ông từng ủng hộ. Nhưng cũng không loại trừ khả năng đây là sự khởi đầu cho một làn sóng chính trị mới, nơi giới công nghệ và những người không thỏa mãn với đảng Dân chủ và Cộng hòa tìm kiếm một hướng đi khác.