Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Anh lần thứ 37: Nối lại liên kết xuyên Manche
Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Anh được kỳ vọng sẽ đánh dấu chương mới trong quan hệ xuyên eo biển Manche, đưa hai đồng minh lâu đời vượt qua khác biệt để đối mặt với những thách thức toàn cầu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: AFP)
Từ ngày 8-10/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm cấp nhà nước tới Vương quốc Anh theo lời mời của Vua Charles III - chuyến thăm cấp cao đầu tiên của một lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tới London kể từ sau Brexit.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Anh lần thứ 37, Tổng thống Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác quốc phòng, củng cố liên kết chiến lược, hỗ trợ Ukraine, đồng thời tháo gỡ những bất đồng kéo dài về di cư và thương mại.
Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ đánh dấu chương mới trong quan hệ xuyên eo biển Manche, đưa hai đồng minh lâu đời vượt qua khác biệt để đối mặt với những thách thức toàn cầu đang ngày càng gia tăng.
Nền tảng “lợi ích chung”
Tuyên bố của Điện Élyseé nêu rõ, “đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Vương quốc Anh của một nguyên thủ quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) kể từ sau Brexit, và là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Starmer phát đi tín hiệu ‘tái khởi động’ quan hệ giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu.”
Văn phòng Tổng thống Pháp cũng ca ngợi mối quan hệ chặt chẽ "thiết yếu" của Pháp và Vương quốc Anh trên trường quốc tế, đồng thời nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là “lợi ích chung” của hai nước.
Trong khi đó, giới chức Anh cho biết mối quan hệ xuyên eo biển Manche này là "rất quan trọng."
Chuyến thăm của Tổng thống Macron cũng là minh chứng cho thấy Thủ tướng Starmer-lãnh đạo Công đảng Anh-đã nỗ lực đưa quan hệ hai bên vượt qua thời kỳ sóng gió gắn với những năm tháng Brexit, cũng như những tranh cãi gay gắt về hợp đồng tàu ngầm với Australia và quyền đánh bắt cá.
Việc Anh và Pháp thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ được đánh giá là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Ukraine và căng thẳng ở khu vực Trung Đông tiếp tục leo thang, trong khi thế giới tiếp tục đối mặt với những chính sách khó lường từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo nhận định của ông Sébastien Maillard - cố vấn đặc biệt tại Viện Jacques Delors, “bối cảnh địa chính trị thay đổi đã khiến cả hai bên có lý do để hàn gắn quan hệ.”
Ông nhấn mạnh: “Trong thời điểm trật tự quốc tế có những biến động dữ dội, gần như mang tính địa chấn, cả hai quốc gia - đều là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đều sở hữu năng lực răn đe hạt nhân và có tầm ảnh hưởng ngoại giao, quân sự tương đương - đang cố gắng khẳng định cam kết với một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.”
Ông Maillard cho rằng việc Pháp và Anh “hâm nóng” quan hệ, tạm gác vấn đề Brexit sang một bên, gửi một tín hiệu rằng hai nước có cùng chí hướng và "không tồn tại cuộc chiến ý thức hệ nào giữa Paris và London, rằng các giá trị và nguyên tắc cốt lõi được chia sẻ sâu sắc và hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau trong việc hỗ trợ Ukraine, bảo vệ châu Âu, cũng như trong nâng cấp năng lực quân sự và tăng chi tiêu quốc phòng."
Và những tồn tại
Cựu Đại sứ Anh tại Pháp Peter Ricketts cũng đánh giá “quan hệ hai nước đã được cải thiện rõ rệt so với thời kỳ khó khăn dưới thời các cựu thủ tướng Boris Johnson và Liz Truss.” Dù vậy, theo ông, vẫn tồn tại những “xung đột” giữa hai bên.
Trước hết, vấn đề nhập cư bất hợp pháp được xem sẽ là một trở ngại trong việc cải thiện mối quan hệ song phương.
Mặc dù có sự tài trợ và hợp tác từ phía Anh, cùng với sự hiện diện của cảnh sát Pháp tại bờ biển, từ đầu năm 2025 đến nay, đã có gần 20.000 người đến Anh bằng thuyền nhỏ – tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Ít nhất 17 người đã thiệt mạng trong hành trình này, trong khi năm ngoái ghi nhận con số kỷ lục 78 người thiệt mạng.
Dưới áp lực từ phía London, Paris đang cân nhắc điều chỉnh luật để cho phép cảnh sát chặn các tàu chở người di cư cách bờ biển Pháp tới 300 mét. Hiện tại, lực lượng thực thi pháp luật của Pháp chỉ can thiệp trên biển trong trường hợp cứu hộ những người di cư có nguy cơ đuối nước.
Ngoài ra, theo một số nguồn tin, hai nước đang xem xét một dự án thí điểm, theo đó Anh sẽ đưa trở lại Pháp những người vượt eo biển Manche bằng thuyền.
Đổi lại, Pháp có thể trục xuất một số lượng người tương đương về Anh, với điều kiện họ có quyền cư trú tại Anh, chẳng hạn như thông qua diện đoàn tụ gia đình.
Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, hai nước có thể sẽ đưa ra những thông báo quan trọng liên quan vấn đề di cư. Giáo sư Christian Lequesne - chuyên gia quan hệ quốc tế tại Trường Sciences Po Paris cho rằng, “cả Thủ tướng Starmer và Tổng thống Macron đều đang chịu áp lực trong nước từ sự gia tăng của các lực lượng cánh hữu và bài nhập cư, song việc cải thiện quan hệ sẽ giúp hai bên tìm ra giải pháp tốt hơn.”
Một vấn đề gây căng thẳng khác là cuộc chiến thương mại. Tổng thống Macron được cho là không hài lòng với thỏa thuận thuế quan giữa Anh và Mỹ.
Theo nhận định của Giám đốc công ty tư vấn Flint Global, François-Joseph Schichan “Tổng thống Macron nhiều khả năng sẽ kêu gọi Thủ tướng Starmer không chấp nhận mọi yêu cầu của Mỹ, đồng thời kêu gọi duy trì một mặt trận thống nhất của châu Âu, nhất là khi thời hạn 90 ngày tạm hoãn thuế quan của Mỹ đến gần.”
Bên cạnh đó, cũng có những dấu hiệu căng thẳng trong nỗ lực duy trì đàm phán ngừng bắn tại Ukraine. Hội nghị trực tuyến về Ukraine diễn ra sau khi Mỹ, nước hậu thuẫn quân sự lớn nhất của Ukraine, đã tạm dừng chuyển giao một số lô viện trợ vũ khí quan trọng cho quốc gia Đông Âu.
Trong khi tiến trình đàm phán hòa bình Ukraine đình trệ, các quan chức Anh và Pháp bắt đầu tỏ ra không hài lòng về cách bên kia xử lý vấn đề.
Một số quan chức Pháp thừa nhận rằng “liên minh tự nguyện” về Ukraine đang thiếu phương hướng rõ ràng, và một phần nguyên nhân là do Vương quốc Anh đặt quá nhiều kỳ vọng vào các cam kết an ninh từ phía Mỹ, trong khi đến nay vẫn chưa có gì cụ thể.
Dù vậy, những căng thẳng âm ỉ sẽ không lộ rõ trong suốt chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Macron. Hơn nữa, dựa trên mối quan hệ thân thiết giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Starmer, rõ ràng mối quan hệ giữa Pháp và Anh đang vượt lên trên những rạn nứt chính trị trong quá khứ, mở ra một chương mới trong quan hệ xuyên eo biển Manche.
Dù mối quan hệ này không phải lúc nào cũng suôn sẻ và vẫn tồn tại nhiều khác biệt cùng bất đồng, nhưng đây là mối quan hệ mà cả hai bên đều hiểu rằng - họ vẫn cần đến nhau./.