Không uống bia rượu mà có nồng độ cồn, phải làm sao?

Xung quanh quy định nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện, nhiều người ở Hải Dương đặt câu hỏi không uống bia rượu mà vẫn có nồng độ cồn thì xử lý như thế nào?

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Hải Dương kiểm tra nồng độ cồn lái xe

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an TP Hải Dương kiểm tra nồng độ cồn lái xe

Lái xe Nguyễn Văn Thao ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) rất ủng hộ và tuân thủ nghiêm quy định đã lái xe, không uống rượu bia. Anh Thao chia sẻ những người làm nghề lái xe nếu vi phạm, ngoài việc bị xử phạt với số tiền lớn, mức phạt mà họ ngại nhất là bị tước giấy phép lái xe lên tới 2 năm. Làm nghề lái xe mà bị “treo” bằng thì đồng nghĩa với mất việc làm. Song anh Thao vẫn băn khoăn về việc ăn những đồ ăn, thức uống có chứa cồn vào cơ thể như món cá hấp bia, bò sốt vang, hoa quả lên men hoặc dùng thuốc thì có nồng độ cồn hay không?

Anh Thao đặt câu hỏi: “Việc kiểm tra nồng độ cồn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Có người uống 1 lon bia tối hôm trước, hôm sau kiểm tra nồng độ cồn bằng 0 nhưng lại có người khi kiểm tra vẫn có cồn. Vậy cần thời gian bao lâu để cơ thể chuyển đổi hết để lượng cồn về 0. Trong trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu thì ai là người thanh toán?”.

Những thắc mắc của anh Thao cũng có cơ sở bởi ngoài rượu bia, cồn cũng xuất hiện trong một số thực phẩm có lên men như sữa chua nếp cẩm, nước trái cây lên men hoặc các món ăn có sử dụng rượu trong quá trình chế biến (cá hấp bia, tôm hấp bia, thịt sốt vang…) và các loại hoa quả có hàm lượng đường cao (mít, vải, sầu riêng...).

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Đức, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an TP Hải Dương cho biết, trong quá trình kiểm tra, xử lý nồng độ cồn cũng từng xảy ra việc lái xe không sử dụng rượu bia, nhưng kiểm tra trong hơi thở vẫn có nồng độ cồn. Có trường hợp một lái xe chở 3-4 người khác đã uống rượu ngồi trong xe kín, bật điều hòa. Lái xe này dù không uống rượu nhưng kiểm tra khí thở vẫn có nồng độ cồn dù kết quả rất thấp. Với trường hợp đó, lái xe sau khi ra khỏi xe, uống nước lọc và kiểm tra lại thì kết quả nồng độ cồn về 0. Còn về việc ăn hoa quả, uống siro mà thổi có nồng độ cồn thì hiện chưa ghi nhận trường hợp nào.

Trao đổi về việc ăn hoa quả lên men, ăn cá hấp bia lên nồng độ cồn, đại diện Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, Công an huyện Cẩm Giàng cũng thông tin, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp nào như vậy. Tuy nhiên trong quá kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, nhiều trường hợp cố tình viện lý do điều trị bệnh, ăn hoa quả lên men… để chống chế việc sử dụng rượu bia.

Đo nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở là hai phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra mức cồn của một người sau khi sử dụng rượu bia

Đo nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở là hai phương pháp thường được sử dụng để kiểm tra mức cồn của một người sau khi sử dụng rượu bia

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quang Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết nồng độ cồn trong máu dựa trên quá trình trao đổi, chuyển hóa cồn trong cơ thể, còn nồng độ cồn trong hơi thở phản ánh tình trạng tức thời.

Hàm lượng cồn do các loại đồ uống và thực phẩm khác tạo nên trong cơ thể rất thấp, sẽ biến mất hoàn toàn chỉ sau một thời gian ngắn từ 15-30 phút nên người dân không phải lo lắng về việc này. Để không phải băn khăn về việc ăn hoa quả lên men, hoặc các món ăn chứa cồn, người tham gia giao thông nên nghỉ ít nhất từ 30 phút đến 1 tiếng trước khi điều khiển phương tiện giao thông.

Thông thường khi kiểm tra nồng độ cồn, nếu kết quả đo khí thở có nồng độ cồn, công an sẽ hỏi và người dân có quyền trả lời về nguyên nhân xuất hiện nồng độ cồn. Trong những trường hợp không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, có thể tiến hành các thủ tục chẩn đoán chính xác thông qua hình thức xét nghiệm theo quy định của pháp luật.

Việc xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA của Bộ Y tế và Bộ Công an ngày 23/7/2014. Thông tư này nêu rõ những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu, điều kiện của cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu; quy trình xét nghiệm ; thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

Theo đó, nếu người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì sẽ phải chi trả chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước. Còn nếu người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì việc thanh toán chi phí xác định nồng độ cồn sẽ phân cụ thể từng trường hợp, có bảo hiểm y tế và không có bảo hiểm y tế. Đồng thời căn cứ từng trường hợp để xác định trách nhiệm thanh toán chi phí xét nghiệm nồng độ cồn trong máu.

NGA TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/khong-uong-bia-ruou-ma-co-nong-do-con-phai-lam-sao-378946.html