Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát: Hội đủ điều kiện trở thành vườn quốc gia

Theo Luật Đa dạng sinh học quy định về khu bảo tồn có 4 cấp gồm: Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên (khu bảo tồn thiên nhiên), khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, trong đó vườn quốc gia là cấp độ cao nhất có nhiều cơ chế, phân bổ nguồn lực để bảo vệ nghiêm ngặt khỏi sự khai thác, can thiệp của con người.

Xét về các tiêu chí của vườn quốc gia thì Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cơ bản hội tụ đầy đủ. Có 18.637 ha, nằm trên địa giới hành chính của 5 xã: Y Tý, Dền Sáng, Sàng Ma Sáo, Trung Lèng Hồ và Nậm Pung. Đây là điểm đầu dãy Hoàng Liên Sơn, với các đỉnh núi cao xuất phát từ xã Y Tý kéo dài đến đỉnh Phansipan. Sự đa dạng về địa hình và độ cao hình thành nên tính đa dạng sinh học cho khu vực này.

Tại đây, về thực vật đã phát hiện được 976 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó 137 loài nguy cấp, quý, hiếm đang bị đe dọa ở mức quốc gia và toàn cầu trong Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN (2021) và Nghị định 06 ngày 22/1/2019 của Chính phủ. Đặc biệt, có 67 loài đặc hữu Bắc Bộ và 38 loài đặc hữu của Việt Nam, như lan kim tuyến tơ, hoàng liên gai, hoàng liên 3 gai, hoàng liên Trung Hoa, hoàng liên chân gà... Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đang lưu trữ tính đa dạng hệ sinh thái rừng từ á nhiệt đới đến ôn đới núi cao, hệ sinh thái rừng chỉ ghi nhận được tại Việt Nam và duy nhất có ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát. Như vậy, đây là khu vực có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên.

Về động vật, đã thống kê được 173 loài, trong đó thú 42, chim 73 loài, bò sát 20 và lưỡng cư 38 loài. Nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm, có 18 loài thú, 11 loài chim, 6 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư có trong Sách Đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN và Nghị định 06 của Chính phủ. Đặc biệt, phát hiện một số loài đặc hữu, nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị bảo tồn cao, các loài này chủ yếu thuộc lớp lưỡng cư gồm cóc sừng Hoàng Liên, cóc núi, cóc mày, cóc sừng đỏ, cóc sừng Phansipan... Như vậy ở đây đáp ứng được tiêu chí là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất 1 loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Xét về tiêu chí có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái thì Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát hội tụ đầy đủ, đặc sắc. Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều đỉnh núi cao được xếp bậc nhất nhì ở Việt Nam, như đỉnh Pu Ta Leng cao 3.049 m, Ky Quan San cao 3.046 m, Nhìu Cồ San cao 2.965 m; tuyến khám phá thác đỏ - quần thể thiết sam cổ thụ trên đỉnh Cú Nhù San, di tích Đường đá cổ Pavie, thác Hồng Ngài và cột mốc biên giới số 85...

Tất cả những cảnh quan này đều nằm trong các khu rừng đặc dụng bảo tồn được trên 90%, đây là điều rất hiếm so với các vườn quốc gia trên cả nước đã được công nhận. Không chỉ đa dạng hệ động, thực vật, sinh thái, khu vực này còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở đây.

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Nhưng vì lực lượng mỏng, năng lực chuyên môn hạn chế, chưa thể đáp ứng công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, khai thác du lịch sinh thái. Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: Với những giá trị về đa dạng sinh học, đa dạng hệ sinh thái, đa dạng về nguồn gen, tính đặc hữu và giá trị cảnh quan thiên nhiên cần phải bảo vệ thì Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đủ điều kiện được xếp hạng ở mức cao nhất trong hệ thống rừng đặc dụng - đó là trở thành vườn quốc gia. Từ đó có thể quảng bá đến các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước biết đến Bát Xát, có định hướng, chiến lược bảo tồn, phát triển các giá trị hiện có của khu bảo tồn, đồng thời thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực… tái đầu tư vào việc bảo tồn, phát triển rừng bền vững.

Ông Nguyễn Việt Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Chủ trương nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát lên thành Vườn Quốc gia Bát Xát đã được tỉnh đề xuất trong Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hoàn thiện Đề án nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát để báo cáo, xin phê duyệt chủ trương, chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp đó sẽ trình bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh phê duyệt thành lập Vườn Quốc gia Bát Xát.

Việc nâng cấp Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thành Vườn Quốc gia Bát Xát có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác tiềm năng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là giải pháp quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ quốc phòng và đảm bảo an ninh biên giới.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/khu-bao-ton-thien-nhien-bat-xat-hoi-du-dieu-kien-tro-thanh-vuon-quoc-gia-post370496.html