Khu công nghiệp Hiệp Phước mất cơ hội thu hút đầu tư vì chậm ban hành giá thuê đất
Việc chậm xác định và ban hành giá thuê đất không chỉ làm mất cơ hội thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hiệp Phước, mà còn khiến doanh nghiệp thứ cấp bức xúc gửi đơn khiếu nại.
Gần 10 năm chưa xác định được giá thuê đất
Tháng 5/2024, ông Huỳnh Bảo Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) tiếp tục ký Văn bản số 170/2024/CV-HIPC-TGĐ gửi UBND TP.HCM “kêu cứu” về việc xác định đơn giá thuê đất cho Khu công nghiệp Hiệp Phước. Suốt từ năm 2015 đến nay, do thủ tục xác định đơn giá thuê đất chưa hoàn tất, nên thủ tục pháp lý về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể thực hiện được, công tác thu hút đầu tư vì thế gặp nhiều khó khăn.
Theo HIPC, đến nay, còn 30,1 ha đất của giai đoạn I chưa có đơn giá thuê đất trả tiền một lần. Nguyên nhân là Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chưa chọn được đơn vị tư vấn thẩm định giá đất; chưa tổ chức đấu thầu chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất, nên HIPC chưa thể thực hiện nghĩa vụ tài chính và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với giai đoạn II, còn 217 ha chưa được giao thuê đất, trong khi diện tích chưa có đơn giá thuê đất hàng năm là 296 ha.
Mặc dù các sở, ngành liên quan đã cố gắng thực hiện thủ tục xác định đơn giá thuê đất và lãnh đạo UBND TP.HCM cũng chủ trì họp để xem xét, đôn đốc, giải quyết vướng mắc, nhưng từ năm 2015 đến nay, vẫn chưa thống nhất được đơn giá thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Vì vậy, giai đoạn II của Dự án chưa xác định được đơn giá cho thuê, chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HIPC và các nhà đầu tư thứ cấp.
Trong Văn bản số 170/2024/CV-HIPC-TGĐ, HIPC nêu, do chưa xác định được giá thuê đất, nên từ năm 2018, HIPC buộc phải dừng cho doanh nghiệp thuê lại đất. Hơn nữa, các doanh nghiệp đã thuê đất trong Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II không thể thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư, xây dựng dự án; không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các giao dịch đảm bảo tại các tổ chức tín dụng do không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hệ lụy lớn nhất trong việc chậm xác định giá thuê đất là, quỹ đất công nghiệp còn trống tại Khu công nghiệp Hiệp Phước với diện tích lớn bị bỏ hoang phí trong thời gian dài, không thể thu hút các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách thành phố. Nghiêm trọng hơn, sự chậm trễ này gây nên bức xúc rất lớn cho các nhà đầu tư đã được thu hút tại đây mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư.
Doanh nghiệp bức xúc gửi đơn khiếu nại
Chờ mòn mỏi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhiều doanh nghiệp thứ cấp đang thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, Na Uy, rất bức xúc và gửi đơn khiếu nại đến UBND TP.HCM.
TP.HCM đã quy hoạch Khu công nghiệp Hiệp Phước với tổng diện tích 2.000 ha tại huyện Nhà Bè, được đầu tư làm 3 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn I (311 ha) và giai đoạn II (597 ha) của Dự án đã xây dựng hạ tầng và cho thuê một phần.
Cụ thể, tháng 4/2023, 20 doanh nghiệp thuê đất tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II đồng loạt ký vào đơn khiếu nại tập thể gửi UBND TP.HCM đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dẫn điều khoản hợp đồng thuê đất trong Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II được ký kết thời điểm năm 2017 là, sẽ được HIPC giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2019.
“Cho tới nay đã 6 năm, kể từ lúc các doanh nghiệp ký kết hợp đồng, nộp đủ tiền thuê đất, doanh nghiệp chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên doanh nghiệp không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện các kế hoạch đầu tư, thực hiện các hợp đồng tín dụng…, làm mất đi cơ hội mở rộng phát triển sản xuất, hợp tác đầu tư với các đối tác, đặc biệt là các đối tác nước ngoài”, đơn khiếu nại của 20 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Hiệp Phước nêu.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng đầu tư mất cân đối, rủi ro về quản trị dòng vốn dẫn tới bờ vực phá sản hoặc hoạt động rất khó khăn. Tới nay, bên cho thuê đất là HIPC chưa giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, gây tổn hại về lợi ích kinh tế và các vấn đề khác có liên quan tới việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, cam kết trong hợp đồng về việc bồi thường và hoàn tiền đối với mọi tổn thất, phí tổn, chi phí và thiệt hại mà bên thuê phải gánh chịu do HIPC vi phạm hợp đồng, không được HIPC thực hiện.
Vì vậy, 20 doanh nghiệp đề nghị HIPC tiếp tục thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp đồng. Các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn II. Đồng thời, thỏa thuận lại với các doanh nghiệp các khoản thu phí bảo dưỡng (phí duy tu và tái tạo cơ sở hạ tầng) cho phù hợp với tình hình, tiến độ thực hiện các cam kết trong hợp đồng.