Khu công nghiệp tại Hải Dương: Dang dở những giấc mơ nghìn tỷ
Hàng loạt dự án đầu tư khu công nghiệp quy mô lớn tại Hải Dương vẫn không thể triển khai kéo dài trong nhiều năm.
Trong 18 khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Hải Dương được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, có 10 KCN đã thành lập, đang hoạt động.
Trải qua nhiều năm được phê duyệt quy hoạch, hàng loạt dự án quy mô lớn vẫn chưa thể triển khai, thậm chí còn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.
KCN Kim Thành (huyện Kim Thành, diện tích theo quy hoạch khoảng 165ha) được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ hơn 10 năm trước. Dự án được giao cho Công ty CP Cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) làm chủ đầu tư.
Năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương giao BQL các KCN hướng dẫn COMA 18 lập dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Kim Thành.
5 năm sau, tỉnh có công văn đồng ý cho COMA 18 tiếp tục triển khai dự án này. Tiếp tục 2 năm sau nữa, hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận đầu tư cho dự án KCN Kim Thành mới được gửi tới bộ ngành, Chính phủ.
KCN Tân Trường mở rộng (khoảng 112ha tại huyện Cẩm Giàng) được cấp chứng nhận đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2009. Hơn 10 năm sau, do khó khăn tài chính nên nhà đầu tư vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
KCN Gia Lộc khoảng 200ha (tại thị trấn Gia Lộc và một số xã của huyện Gia Lộc) được tỉnh Hải Dương giao Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang (Công ty Nam Quang) lập, trình duyệt quy hoạch trong 6 tháng. Tuy nhiên, phải mất hơn 4 năm Công ty Nam Quang mới hoàn thành công việc nêu trên.
Sau đó, Công ty TNHH VSIP Hải Dương và Công ty Nam Quang đều đề nghị là chủ đầu tư xây dựng dự án này. Mới nhất, chủ trương đầu tư dự án đã được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt. Theo đó, nhà đầu tư là Công ty Nam Quang, tổng vốn đầu tư khoảng 2.060 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 309 tỷ đồng.
KCN Lương Điền – Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng) được tỉnh phê duyệt quy hoạch từ năm 2007 với tổng diện tích là 205ha, chủ đầu tư là Công ty TNHH Phúc Hưng. Tuy nhiên, do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, việc bàn giao đất bị kéo dài, đến tháng 9/2010 mới hoàn thành việc bàn giao khoảng 150ha đất KCN.
Đến năm 2011 dự án KCN mới cơ bản hoàn thành san nền khoảng 30ha, xây dựng một phần tường rào và đường trục chính. Từ năm 2011 đến 2014, dự án dừng thi công để thực hiện điều chỉnh quy hoạch, trả lại một phần diện tích cho sản xuất nông nghiệp, cắt giảm diện tích đã quy hoạch.
Trên cơ sở đề nghị của Công ty TNHH Phúc Hưng và Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP), UBND tỉnh đã đồng ý cho chuyển nhượng dự án cho VSIP tiếp tục thực hiện.
4 năm sau khi dự án được điều chỉnh diện tích quy hoạch còn khoảng 150ha (vào năm 2015), tỉnh giao Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Hà Nội nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch. Tới nay, dự án đang chờ cấp chủ trương đầu tư.
KCN Bình Giang tại huyện Bình Giang có diện tích 150ha. Thời điểm 13 năm trước, trong cùng một ngày, Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát được giao nghiên cứu lập quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, Công ty Công nghiệp thương mại xuất nhập khẩu Tân Phú Cường và Sacombank cũng được cho chủ trương tương tự.
Tuy nhiên, sau đó các công ty này đều chưa thực hiện thủ tục tiếp theo.
Năm 2018, tỉnh giao Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc – Công ty CP nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết KCN Bình Giang. Diện tích lập quy hoạch giai đoạn 1 khoảng 452ha. Chừng 1 năm sau đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận chủ trương giao Công ty Kinh Bắc nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng KCN Thanh Hà với diện tích 150ha và KCN Bình Giang diện tích 150ha.
Dự án vừa được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh về địa điểm thực hiện dự án so với quy hoạch trước đây. KCN Bình Giang (huyện Bình Giang, 150ha) từng được dự kiến thực hiện tại các xã Tân Việt, Vĩnh Hồng và Hùng Thắng thì nay được thay bằng các xã Thái Học, Nhân Quyền, Bình Minh, Thái Hòa và Bình Xuyên.
Đối với KCN Hoàng Diệu diện tích 250ha theo quy hoạch (tại huyện Gia Lộc), Chính phủ và tỉnh Hải Dương đã có chủ trương giao Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thực hiện cùng với KCN Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) từ 13 năm trước.
Sau nhiều lần bị đôn đốc, đề nghị báo cáo quá trình, tiến độ thực hiện lập quy hoạch 2 KCN nêu trên, suốt 10 năm sau đó VIDIFI vẫn không có báo cáo liên quan.
Tháng 10/2018, tỉnh đồng ý chủ trương đề xuất của VIDIFI về việc tiếp tục đầu tư vào 2 KCN trên. Tuy nhiên, khoảng một năm sau, tỉnh này lại đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Chính phủ về việc chấm dứt giao VIDIFI làm chủ đầu tư.
Từ 3 năm trước, Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc đã đề xuất tới tỉnh việc nghiên cứu, lập quy hoạch 3 KCN.
Trong đó, điều chỉnh diện tích các KCN Bình Giang khoảng 800ha, giai đoạn 1 khoảng 450ha và Thanh Hà khoảng 400ha. Đồng thời quy hoạch KCN Kim Thành khoảng 460ha (tại huyện Kim Thành).
Tuy nhiên, đến nay, cả 3 ý tưởng đề xuất này của Kinh Bắc chưa có dấu hiệu được cụ thể hóa.