Khu công nghiệp ven biển Lâm Đồng: Điểm đến mới của các 'dự án tỷ USD'
Với hạ tầng ngày càng hoàn thiện và chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, các khu công nghiệp ven biển Lâm Đồng đang trở thành tâm điểm đón loạt dự án tỷ đô, mở ra cơ hội bứt phá cho kinh tế địa phương.

Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 50%. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Từ đầu năm 2025 đến nay, các khu công nghiệp ven biển tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hạ tầng, tổ chức hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư.
Qua các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, giới thiệu tiềm năng đầu tư, đã thu hút thêm nhiều dự án đầu tư quy mô lớn trong nước và ngoài nước vào các khu công nghiệp.
Đến tháng 6/2025, khu vực ven biển tỉnh Lâm Đồng có 7/9 khu công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng với tổng diện tích hơn 1.393ha; tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 1.900 tỷ đồng.
Đặc biệt hiện nay tỉnh đang chỉ đạo khẩn trương triển khai xây dựng Dự án khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 với diện tích 1.070ha.
Hiện, Dự án khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 có 3 dự án đầu tư với quy mô 156ha, vốn đầu tư đăng ký 5,4 tỷ USD. Trong đó có dự án kho cảng khí LNG Sơn Mỹ là một trong những kho cảng khí LNG lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp ven biển thời gian qua được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Tính đến tháng 6/2025 đã thu hút được 93 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp; trong đó có 27 dự án vốn đầu tư nước ngoài và 66 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 328 triệu USD và hơn 17.000 tỷ đồng, diện tích thuê hơn 280ha.
Trong số này có 65 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, các khu công nghiệp ven biển thu hút 4 dự án đầu tư vào khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng, mang lại nhiều tín hiệu khả quan trong việc thu hút và kêu gọi nhà đầu tư vào công nghiệp.
Để đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện hạ tầng và thu hút nhà đầu tư, các khu công nghiệp ven biển đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư hạ tầng đảm bảo đồng bộ, nhất là đối với các khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 giai đoạn 1.

Khu công nghiệp Phan Thiết 2 được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng với tỉ lệ lấp đầy hiện tại đạt 75%. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Các khu công nghiệp phối hợp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, nghiên cứu từng chính sách cụ thể để thu hút có chọn lọc các nhà đầu tư đầu tư vào các khu công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng.
Bên cạnh đó, các địa phương có khu công nghiệp cũng tập trung tăng cường tuyên truyền, vận động người dân về tầm quan trọng của việc đầu tư khu công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo sinh kế, việc làm.
Ủy ban Nhân dân các xã phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan xác định giá đất cụ thể, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, đền bù, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư thực hiện những công việc tiếp theo của dự án.
Các khu công nghiệp ven biển xác định là một trong những trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.
Thời gian qua, các dự án đầu tư trong khu công nghiệp đóng vai trò thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp ven biển bình quân hơn 75 triệu USD/năm.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ven biển nộp hơn 700 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Các dự án đi vào hoạt động góp phần quan trọng trong vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; giải quyết việc làm cho lao động ngày càng nhiều. Đến nay, có hơn 11.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp.
Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ven biển tỉnh Lâm Đồng, đến năm 2030 sẽ hình thành 21 khu công nghiệp với quy mô khoảng 11.300ha và 1 khu kinh tế ven biển với quy mô khoảng 27.000ha./.