Rà soát, cập nhật tuyến vận tải khách sau sắp xếp đơn vị hành chính
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, cập nhật thông tin các tuyến vận tải hành khách sau sáp nhập tỉnh, thành.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, từ ngày 1/7, cả nước còn lại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc này dẫn đến thay đổi thông tin về mã số tỉnh, mã số bến xe và số lượng tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh.
Nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và chính xác dữ liệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Xây dựng rà soát, đối chiếu và cập nhật thông tin các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, bao gồm mã số tỉnh/thành phố nơi đi, nơi đến và mã số bến xe theo mã số mới, theo mẫu hướng dẫn đính kèm.

Cục Đường bộ yêu cầu rà soát, cập nhật thông tin các tuyến vận tải hành khách sau sáp nhập tỉnh, thành.
Rà soát, đối chiếu và cập nhật thông tin các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh. Ngoài các tuyến hiện do địa phương quản lý, cần bổ sung các tuyến liên tỉnh (trước đây thuộc danh mục do Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ Việt Nam ban hành) nay đã trở thành tuyến nội tỉnh do sáp nhập đơn vị hành chính.
Việc rà soát, cập nhật phải căn cứ vào Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) quy định về tiêu chí thiết lập mã số tuyến; Quyết định số 19/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam; các quyết định công bố, điều chỉnh Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, do Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) và Cục Đường bộ Việt Nam ban hành.
Bên cạnh đó, các Sở Xây dựng cần cung cấp danh sách bến xe sau sáp nhập theo mẫu.