Khu dân cư bị 'lãng quên' ở Đà Nẵng

Người dân khu dân cư thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã 13 năm nay sống 'treo' để chờ dự án, cuộc sống vốn đã khó theo đó lại càng khó hơn

Khu dân cư tổ 89 nằm cạnh khu đô thị mới Hòa Xuân, bên sông Cẩm Lệ. Đây là khu dân cư còn sót lại sau quá trình chỉnh trang đô thị ở khu vực này. Năm 2010, chính quyền thực hiện kiểm đếm và áp giá đền bù. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch vẫn "treo" khiến người dân bức xúc.

Sống tạm bợ

Ông Nguyễn Phan Vinh, Tổ trưởng tổ 89, cho biết có hơn 80 hộ sinh sống tại khu dân cư này. Từ năm 2009 đến nay, nhà cửa, đường sá ở khu vực này vẫn nguyên trạng. Nhiều gia đình có con trưởng thành, lập gia đình nhưng không thể xây mới hay cơi nới nên cả nhà phải sống tạm trong căn nhà cũ kỹ, thấm dột. Ông Vinh cho hay dù không vướng dự án nào cụ thể nhưng dân ở đây phải sống "treo" để chờ quy hoạch. Người dân đã kiến nghị nhiều lần tại các cuộc họp với chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa có hướng xử lý. Khu dân cư này còn không có tên đường, không có số nhà cũng khiến người dân gặp nhiều phiền toái.

Ông Lê Độ, sinh sống ở đây hàng chục năm, cho biết "đã quá khổ" với cảnh sống cơ cực này. Khổ nhất là đến mùa mưa bão, các hộ dân ở đây phải di dời vì nhà cửa không bảo đảm. Mong muốn của ông là thành phố sớm có phương án cụ thể.

Đường sá, nhà cửa ở khu dân cư thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đang xuống cấp nghiêm trọng

Đường sá, nhà cửa ở khu dân cư thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đang xuống cấp nghiêm trọng

Theo UBND quận Cẩm Lệ, khu dân cư trên nằm trong quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực đất dự trữ ven sông phía Bắc khu E - khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ từ năm 2009. Đến năm 2010, UBND thành phố có quyết định thu hồi, giao đất cho Sở Xây dựng quản lý để thực hiện xây dựng dự án. Năm 2016, thành phố có chủ trương thu hồi đất và giải tỏa 81 hộ dân nơi đây để chống ngập úng. Tuy nhiên, đến năm 2018, HĐND thành phố lại thống nhất chủ trương không giải tỏa, cho phép người dân sửa chữa, cải tạo nhà.

Đồng thời, HĐND thành phố cũng đề nghị nghiên cứu thực hiện đền bù, giải tỏa đối với các hộ có nhu cầu thật sự về nhà ở ổn định lâu dài và thống nhất theo phương án tái định cư. Theo đó, các hộ không thống nhất giải tỏa theo chủ trương chung thì được hưởng các chính sách liên quan đến dự án chậm triển khai. Việc tổ chức sửa chữa, xây dựng mới phải bảo đảm đủ thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng theo quy định. Kể từ đó đến nay, dự án tạm dừng triển khai.

Chưa có phương án cụ thể

Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay khu vực trên không có vướng mắc về cấp độ quy hoạch xây dựng cũng như định hướng đầu tư xây dựng. Trong đó, quy hoạch chung năm 2013 xác định là khu vực cây xanh công cộng, hành lang thoát lũ. Quy hoạch chung năm 2019 cùng 3 quy hoạch chi tiết cũng xác định mục đích như trên.

Theo ông Phong, hiện vẫn chưa có chủ trương đầu tư, chưa có phê duyệt dự án tại tổ 89. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương, thực hiện quy hoạch công viên công cộng cấp đô thị và giao UBND quận Cẩm Lệ khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý đất đai cũng như lên phương án về giải tỏa đền bù.

Đường sá, nhà cửa ở khu dân cư thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đang xuống cấp nghiêm trọng

Đường sá, nhà cửa ở khu dân cư thuộc tổ 89, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đang xuống cấp nghiêm trọng

Về việc bảo đảm quyền lợi của người dân, ông Phùng Phú Phong cho biết giai đoạn 2020 - 2021, thành phố có ban hành một số quy định, cho phép người dân được sửa chữa nhà, tách thửa ở một số dự án chậm triển khai. Việc này đã tháo gỡ khó khăn của người dân tại khu vực tổ 89. Ông khẳng định thành phố đã có chủ trương và tiếp tục thực hiện theo định hướng quy hoạch chung tại khu vực này.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, cho biết số hộ thực tế ở tổ 89 là 81 nhưng qua rà soát thì có đến 362 hồ sơ đất. Thành phố khái toán làm công viên nhưng chi phí giải tỏa đền bù khoảng 375 tỉ đồng, bồi thường hơn 300 lô đất tái định cư. Ông Triết cũng chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng sớm có quyết định cụ thể về phương án công viên tại khu vực trên.

"Trước mắt, những quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người dân trong vùng quy hoạch chưa triển khai dự án thì đề nghị UBND quận Cẩm Lệ hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, cần họp dân để thông báo chính thức những quyền lợi được hưởng" - ông Triết nhấn mạnh.

2.000 người sống phập phồng trong chung cư cũ

Hiện tại, TP Đà Nẵng có 2 khu chung cư xuống cấp trầm trọng gồm Thuận Phước ở quận Hải Châu và Hòa Minh ở quận Liên Chiểu. Có khoảng 2.000 người sinh sống ở 2 khu này với khoảng 650 hộ. Ông Phùng Phú Phong cho biết năm 2022, 2 khu chung cư này được kiểm định và xác định công trình cấp độ C. Sở đã đề xuất thành phố di dời trong giai đoạn 2024-2025.

Hai phương án được Sở Xây dựng đưa ra là: người dân tiếp tục thuê nhà ở khu chung cư khác hoặc mua lại nhà ở xã hội của thành phố.

Ông Phong cho biết phương án di dời mới chỉ dừng ở mức báo cáo kế hoạch, giao cho Ban Quản lý Hạ tầng và phát triển đô thị nghiên cứu. Sau khi ban quản lý có ý kiến và rà soát lại, đơn vị sẽ báo cáo phương án cho HĐND vào kỳ họp gần nhất, dự kiến trong tháng 1-2024.

Bài và ảnh: BÍCH VÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khu-dan-cu-bi-lang-quen-o-da-nang-196231226213411691.htm