Khu dân cư Chàng Riệc – 10 năm một chặng đường
Sau 10 năm xây dựng trên vùng đất chịu nhiều hậu quả chiến tranh kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh biên giới Tây Nam, những người dân bám trụ ở Khu dân cư Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) tràn đầy niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
Khởi nguồn từ Đề án 407 “Bố trí, sắp xếp ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh” được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương tại Công văn số 1765/TTg-ĐP ngày 20.10.2008 và giao cho UBND tỉnh Tây Ninh triển khai thực hiện gồm: Khu dân cư biên giới Chàng Riệc, Khu dân cư Ngã 3 xe cháy (huyện Tân Biên) và Khu dân cư cầu Sài Gòn 2 (huyện Tân Châu), ngày 6.4.2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 635/QĐ-UBND thành lập ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên (tức Khu dân cư biên giới Chàng Riệc) thực hiện theo Đề án 407.
Mục tiêu của Đề án là bố trí dân cư trên tuyến biên giới, phát huy lợi thế biên mậu và phát triển sản xuất, giữ vững quốc phòng an ninh. Đồng thời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ nghèo, gia đình chính sách và các hộ khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Từ những năm đầu, Khu dân cư biên giới Chàng Riệc được quy hoạch với 643 ha, dự kiến bố trí 500 hộ với 2.000 nhân khẩu, tỉnh đã xây dựng 26 công trình cơ sở hạ tầng gồm: nhà ở, điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt… với tổng kinh phí 217,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ.
Khi chưa xây dựng, đây là vùng đất hoang sơ, sỏi đá, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn; an ninh trật tự tương đối phức tạp. Những ngày mới thành lập, Khu dân cư biên giới Chàng Riệc có 194 hộ lên nhận nhà và đất ở. Bước đầu, các hộ dân còn gặp khó khăn vì đa số đều là hộ nghèo, không có vốn đầu tư sản xuất; cơ sở hạ tầng chưa được bảo đảm đầy đủ như hệ thống cống thoát nước; đường giao thông bị sạt lở; nguồn nước sinh hoạt và điện thắp sáng chưa ổn định; đất sản xuất một số khu vực bị ngập úng; tình hình tư tưởng của một số hộ dân còn lo lắng, chưa an tâm sinh sống và lao động.
Đến nay, qua hai giai đoạn thực hiện theo Đề án 407, đã có 320 hộ gia đình được bố trí vào khu dân cư biên giới. Người dân thụ hưởng được hỗ trợ nhà ở, 1.000m2 đất ở, 1 ha đất sản xuất và được vay vốn phát triển sản xuất. Các hộ dân chủ yếu trồng các loại cây mía, mì và một số loại cây lâu năm. Qua nhiều năm sản xuất, đời sống của các hộ dân dần ổn định.
Đến nay không còn hộ nghèo, có hộ vươn lên khá giả, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn. Nơi đây đã được cải tạo, xây dựng thành một khu dân cư ổn định với trường học khang trang, trạm y tế có đầy đủ cơ sở vật chất, nhà văn hóa ấp được đầu tư xây dựng. Bộ máy hoạt động của ấp Tân Khai thường xuyên củng cố kiện toàn, ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động. Các loại hình kinh tế của ấp phát triển, doanh nghiệp được thành lập và ngày càng mở rộng.
Sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng cao, khắc phục cơ bản về đất đai, thổ nhưỡng, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa bảo đảm việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Điện lưới quốc gia đã về khắp các khu dân cư.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ấp luôn được giữ vững ổn định. Tình trạng xâm canh, phá rừng đã được ngăn chặn triệt để; mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân Khu dân cư biên giới Chàng Riệc với chính quyền và nhân dân Campuchia đối diện hòa bình, hữu nghị, tình hình an ninh trật tự trên khu vực biên giới ngày càng thắm thiết hơn.
Tình cảm, trách nhiệm của người lính Biên phòng là sợi dây gắn kết bà con khu dân cư biên giới thành một khối thống nhất chung sức đồng lòng bảo vệ biên giới. Nằm cách biệt với các khu dân cư trong xã, nhưng có thể nói, khu dân cư là một "lá chắn" vững chắc trong đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có hoạt động vượt biên trái phép.
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chàng Riệc Trần Trung Úy cho biết: "Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nên ý thức tự giác chấp hành pháp luật của bà con không ngừng được nâng lên, tình trạng vượt biên trái phép qua biên giới được ngăn chặn triệt để. Thường xuyên phối hợp với lực lượng của đồn biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ an ninh.
Các đối tượng lạ mặt vào khu vực biên giới đều bị phát hiện, đẩy đuổi kịp thời nhờ vào tai mắt của nhân dân. Ở đây bà con luôn coi bộ đội là người trong một nhà, sẵn sàng cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ đấu tranh phòng chống các loại tội phạm...".
Từ một vùng hoang vu, Khu dân cư Chàng Riệc đã trở thành nhân tố nổi trội để xã Tân Lập xây dựng nông thôn mới nâng cao, là điểm sáng văn hóa vùng biên giới. Qua 10 năm, Khu dân cư Chàng Riệc vươn mình tạo một không gian ấm áp, trù phú, yên bình, là điểm tựa, bàn đạp để Tây Ninh nhân rộng, triển khai tiếp những khu dân cư kiểu mẫu dọc dải biên cương Tổ quốc.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/khu-dan-cu-chang-riec-10-nam-mot-chang-duong-a150492.html