Khu dân cư phường 7, quận 8, TPHCM: Khổ sở sống cùng ô nhiễm

Người dân sinh sống tại khu dân cư đường Trịnh Quang Nghị (đường Ba Tơ cũ) thuộc phường 7, quận 8, TPHCM cho biết phải sống chung với ô nhiễm và tiếng ồn từ cơ sở dệt bao bì nhựa tồn tại hơn 10 năm nay.

Bên ngoài cơ sở dệt không tên, nhếch nhác. Ảnh: QUỐC HÙNG

Bên ngoài cơ sở dệt không tên, nhếch nhác. Ảnh: QUỐC HÙNG

Ghi nhận tại cơ sở dệt bao bì nhựa không tên đặt tại địa chỉ số 255-257 đường Trịnh Quang Nghị thuộc phường 7, quận 8, TPHCM cho thấy cơ sở được xây dựng tạm trên 3 lô đất trống, nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, hoạt động suốt ngày đêm, máy dệt kêu rầm rầm cùng với mùi khét bốc ra.

Nhà xưởng được làm bằng khung sắt áp tôn, mái lợp tôn, rộng khoảng 300m2 trông xập xệ và nhếch nhác. Bên trong nhà xưởng là hàng chục máy dệt cũ kỹ chạy liên tục, những cuộn sợi nhựa nằm lăn lóc kín các lối đi. Công nhân di chuyển bằng cách leo qua những cuộn sợi. Cơ sở thường xuyên đóng kín cửa, chỉ chừa một lối nhỏ ra vào, tiếng máy dệt ầm ầm cùng với mùi khen khét của nhựa.

Điều đáng nói, cơ sở này hoạt động ngay giữa cả trăm hộ dân cư. Đứng gần chỉ vài phút, chúng tôi phải nín thở vì mùi xộc vào mũi. Nhà kế bên cơ sở dệt, gia đình anh Đ. cho biết, cả khu dân cư khổ sở hơn chục năm nay bị tra tấn bởi tiếng máy dệt ầm ầm cùng với mùi hôi rất khó chịu từ nhựa. Nhà luôn phải đóng kín cửa vì sợ tiếng ồn và mùi khen khét của nhựa pha lẫn mùi dầu nhớt.

“Sợ nhất là hỏa hoạn. Nhà xưởng tạm bợ, bên trong chứa đầy sợi nhựa, chật chội không có lối thoát lại nằm trong khu dân cư đông đúc nếu xảy ra cháy dân không biết thoát đi đâu", anh Đ. bức xúc.

Bà Trần Thị Nhạn có nhà ở đối diện xưởng này cho biết: “Tôi lớn tuổi, nhiều bệnh nền lại thêm mệt mỏi khó thở vì mùi hôi. Nước thải từ cơ sở này chảy xuống cống toàn dầu nhớt đen kịt”.

Nhiều người dân ở đây cho biết, cơ sở này tồn tại hơn chục năm gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Liệu cơ sở này có được cấp phép hoạt động trong khu dân cư hay không?

Bên trong cơ sở máy dệt rất cũ kỹ. Ảnh: QUỐC HÙNG

Bên trong cơ sở máy dệt rất cũ kỹ. Ảnh: QUỐC HÙNG

Bao thành phẩm và sợi nguyên liệu chất gần như kín không còn lối thoát. Ảnh: QUỐC HÙNG

Bao thành phẩm và sợi nguyên liệu chất gần như kín không còn lối thoát. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo các chuyên gia môi trường, mùi hôi, nước thải từ hoạt động của cơ sở này tiềm ẩn nhiều rủi ro ô nhiễm, gây nguy hại đối với người dân sinh sống xung quanh.

Theo Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có hệ thống kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động.

Bảo đảm trang thiết bị đáp ứng khả năng phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt là đối với cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, chất phóng xạ, chất dễ gây cháy, nổ. Cơ sở sản xuất có chất dễ cháy không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư; có chất độc hại, phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người; gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước; gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép.

Nhà xưởng được lắp ghép khá tạm bợ. Ảnh: QUỐC HÙNG

Nhà xưởng được lắp ghép khá tạm bợ. Ảnh: QUỐC HÙNG

Cách đó không xa là vựa thu mua phế liệu chiếm trọn vỉa hè. Ảnh: QUỐC HÙNG

Cách đó không xa là vựa thu mua phế liệu chiếm trọn vỉa hè. Ảnh: QUỐC HÙNG

Căn cứ vào quy định trên cho thấy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có biện pháp giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, bảo đảm để không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường, hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động. Việc cơ sở sản xuất, kinh doanh không có biện pháp xử lý giảm thiểu tiếng ồn, khí thải ra môi trường là vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính, mức xử phạt tùy thuộc vào thông số gây nguy hại cho môi trường.

Ngoài ra, nếu đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự về tội gây ô nhiễm không khí.

QUỐC HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khu-dan-cu-phuong-7-quan-8-tphcm-kho-so-song-cung-o-nhiem-post709647.html