Khu đất 148 Giảng Võ sẽ không còn chức năng nhà ở? | Hà Nội tin mỗi chiều
UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch loại bỏ chức năng nhà ở, đưa về các chức năng phù hợp với quy chuẩn đối với dự án trên khu đất 148 Giảng Võ, quận Ba Đình; Qua vụ việc học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang, có thể thấy một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, văn minh cho cả thầy lẫn trò là điều mà tất cả chúng ta nên hướng đến... là những thông tin đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 14, khóa 16 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố đã cung cấp những thông tin về những điều chỉnh, thay đổi dự án trên khu đất 148 Giảng Võ, quận Ba Đình. Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, quy hoạch chi tiết trước đây với dự án này gồm 10 tòa nhà cao 50 tầng làm nhà ở, đến nay đã thành phố đã điều chỉnh quy hoạch loại bỏ chức năng nhà ở, đưa về các chức năng phù hợp với quy chuẩn.
Việc thay đổi, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại dự án 148 Giảng Võ rất quan trọng và cần thiết. UBND Thành phố Hà Nội đã xin ý kiến, Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất đồng thời cũng báo cáo lại Chính phủ liên quan tới chỉ đạo loại bỏ chức năng nhà ở, đưa về các chức năng phù hợp với khu vực, đảm bảo quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Trước đó, năm 2016, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 10 tòa nhà chung cư trên ô đất 6,8 ha tại số 148 Giảng Võ. Đến năm 2019, thành phố đã có quyết định thu hồi dự án để nghiên cứu một dự án phù hợp hơn. UBND TP và chủ đầu tư cũng đã thống nhất không xây dựng 10 tòa nhà cao tầng và thay vào đó là khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại cho phù hợp, hài hòa với việc cải tạo khu tập thể Giảng Võ, hồ Giảng Võ. Từ đó, điều chỉnh lại quy mô phục vụ hoạt động cộng đồng. Vấn đề điều chỉnh quy hoạch dự án 148 Giảng Võ cũng đã được HĐND TP Hà Nội chất vấn tại nhiều kỳ họp trước đây.
Động thái thu hồi, điều chỉnh quy hoạch dự án khu đất vàng 148 Giảng Võ của thành phố Hà Nội từ công năng nhà ở sang các công năng phù hợp cùng những cam kết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Phần tiếp theo của Podcast Hà Nội tin mỗi chiều hôm nay sẽ là câu chuyện về vụ học sinh xúc phạm cô giáo ở Tuyên Quang.
Mấy ngày nay, hình ảnh cô giáo bị học trò nhốt trong lớp, ném dép vào người và quay video, khiến dư luận xôn xao. Trong video, cô giáo gần như không phản kháng, tỏ ra cam chịu. Trong một video khác, một giáo viên (được cho là chính cô giáo này) cũng cầm dép đuổi đánh học sinh, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn.
Ở một góc nhìn khác, cô giáo bị học trò bạo hành rất đáng được cảm thông, chia sẻ, nhưng cũng đáng bị phê phán. Từ khi nào cô đã đánh mất năng lực tự kiềm chế, không còn giữ được khoảng cách cần thiết giữa người thầy với học trò. Những kỹ năng sư phạm của người thầy hầu như khong thấy xuất hiện ở cô giáo này.
Xuyên suốt sự việc, cô giáo đã quá cô đơn ngay chính ngôi trường của mình. Rõ ràng các tình huống đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, điện thoại có trong tay mà cô cũng không thể gọi cho ai trong Ban giám hiệu nhà trường, cho Chủ tịch Công đoàn trường để được hỗ trợ. Nếu được hỗ trợ, các tình huống đã không đi xa đến như vậy.
Liên quan đến sự việc này, vào ngày 6/12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ và công tác đối với ông Nguyễn Duy Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương. Lý do là để phục vụ cho công tác kiểm tra, xác minh làm rõ sự việc liên quan đến nội dung công tác quản lý giáo viên, học sinh của trường THCS Văn Phú. Thời hạn tạm đình chỉ là 15 ngày, kể từ ngày 7/12/2023 đến hết ngày 21/12/2023. Ông Giang Tuấn Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Dương cũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm những sai phạm, bảo đảm khách quan, công tâm và theo quy định của pháp luật; đồng thời ổn định tình hình, bảo đảm việc dạy và học của nhà trường.
Một động thái cũng khá kịp thời khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ việc, đồng thời tập trung tăng cường công tác quản lý và đánh giá giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo; tăng cường kỷ cương trường học, xây dựng văn hóa học đường; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 6/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm: Vụ việc xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Sự việc khiến chúng ta rất bức xúc nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân khách quan một cách thấu đáo, từ đó có biện pháp xử lý nghiêm. Và vụ việc dù nhỏ lẻ cũng phải làm rõ.
Liên quan đến sự việc này, nhiều nhà giáo cho rằng, từ đặc thù nghề nghiệp, nhà giáo cần có sự vị tha, tấm lòng yêu thương và biết lắng nghe, gần gũi với học sinh, từ đó có cách ứng xử khéo léo. Nguồn cơn của những bức xúc đều xuất phát từ những mâu thuẫn, áp lực, kéo theo sự mất kiểm soát. Vì thế, trong mọi tình huống, người thầy vẫn luôn cần giữ bình tĩnh, đúng mực và cố gắng kiểm soát cảm xúc. Một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, văn minh cho cả thầy lẫn trò đó là điều mà tất cả chúng ta hướng đến. Và môi trường đó chỉ có được khi có sự chung tay tất cả chúng ta./.