Khu di tích lịch sử Lam Kinh: Điểm du lịch văn hóa thu hút du khách

Lam Kinh quê hương đất tổ nhà Lê được xem là nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi, phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công thế kỷ XV và cũng là nơi tụ họp của các anh hùng hào kiệt khắp bốn phương chung sức, chung lòng đứng lên đánh giặc cứu nước.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây, nằm trên địa bàn xã Xuân Lam, thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lam Sơn được coi là “kinh đô thứ hai” của nước Đại Việt sau Thăng Long Đông Đô - Hà Nội. Đây là khu di tích mang nhiều ý nghĩa giá trị văn hóa không chỉ của nhân dân Thanh Hóa mà của cả dân tộc.

Khu di tích Lam Kinh có vị trí rất đắc địa, phía Bắc dựa vào núi Dầu mặt Nam nhìn ra sông Chu, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Ảnh: Hà Anh

Khu di tích lịch sử Lam Kinh có tổng diện tích là 141ha. Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh).

Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.

Đặc biệt, Khu di tích Lam Kinh có vị trí rất đắc địa, phía Bắc dựa vào núi Dầu, mặt Nam nhìn ra sông Chu, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam – Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương.

Khu di tích Lam Kinh thu hút du khách về quan cảnh, kiến trúc độc đáo. Ảnh: Hà Anh

Đường dẫn vào hoàng thành có một con sông tên là sông Ngọc. Nước sông ở đây rất trong và có thể nhìn thấy cả những viên sỏi ở dưới đáy.

Chính điện Lam Kinh bố trí theo hình chữ “công” gồm 3 tòa điện lớn xây trên nền đất rộng, là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Đây là công trình kiến trúc gỗ quy mô, với hàng cột cái của cả ba điện có đường kính đến 62 cm. Nằm sau khu chính điện là Thái miếu Lam Kinh gồm 9 tòa được bài trí trang nghiêm, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Nhưng hiện tại mới có 5 Thái miếu được phục dựng.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi kiến trúc độc đáo đậm chất Á Đông của khu kinh thành cổ, mà còn thu hút du khách bởi những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí tại khu lăng tẩm của các Vua chúa thời Hậu Lê.

Khu di tích Lam Kinh thu hút du khách bởi những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí. Ảnh: Hà Anh

Bên cạnh kiến trúc độc đáo của kinh thành cổ, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh còn có những câu chuyện truyền thuyết mang màu sắc huyền bí tại khu lăng tẩm của các Vua chúa thời Hậu Lê.

Tại khu Vĩnh Lăng tồn tại truyền thuyết về cây ổi cười, tạo lên sự huyền bí cho vùng đất Lam Kinh. Du khách chỉ cần dùng ngón tay cù nhẹ lên thân cây, thì toàn bộ cây ổi đều rung lên như có một cơn gió mạnh thổi qua. Tiếp đến là câu chuyện về cây lim cổ thụ có tuổi thọ khoảng 600 năm tuổi, cao nhất nhì rừng Lam Kinh, được gọi bằng cái tên “cây lim hiến thân”.

Qua tìm hiểu của Phóng viên được biết, từ khi di tích Lam Kinh được phục hồi tôn tạo, cảnh quan di tích sạch đẹp, khách thập phương đến thăm di tích ngày một đông, nhất là trong dịp lễ hội mỗi ngày đến mấy vạn người. Đời sống nhân dân trong vùng ngày một cải thiện, kinh tế phát triển nhất là kinh tế dịch vụ. Sự quan tâm và ý thức trách nhiệm của chính quyền và nhân dân địa phương đối với di tích Lam Kinh được nâng cao.

Để phục hồi trở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh "Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” hiện nay, Ban Quản lý khu di tích Lam Kinh chú trọng công tác phòng chống dịch, thực hiện và tuân thủ nghiêm các biện pháp, khuyến cáo của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của cấp trên về phòng chống COVID-19, đảm bảo an toàn cho mỗi lượt du khách ghé thăm.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/khu-di-tich-lich-su-lam-kinh-diem-du-lich-van-hoa-thu-hut-du-khach-post162319.html