Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình: Định hướng phát triển theo 6 phân khu, 4 trung tâm
Ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cùng tham dự hội nghị. Đồ án do Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) phối hợp cùng tư vấn nước ngoài Hansen Partnership (Australia) thực hiện.
Nhiều lợi thế phát triển du lịch
Hồ Hòa Bình là một trong những hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, được hình thành sau khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Khu vực nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình nằm trong phạm vi hành chính các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và thành phố Hòa Bình, quy mô 52.200ha.
Hồ có diện tích lớn, cùng hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, hai bên hồ là những cánh rừng, dãy núi đá vôi, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Khu vực hồ có nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh nổi tiếng như đền và động Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên, chùa Hòa Bình Phật Quang, đảo Dừa, đảo Ngọc... và những bản làng dân tộc Mường, Thái, Mông còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa bản địa truyền thống.
Khu vực đã và đang trở thành tuyến du lịch hấp dẫn ở vùng Tây Bắc nói riêng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung.
Dù sở hữu nhiều tiềm năng nhưng đến nay việc khai thác phát triển du lịch hồ Hòa Bình còn nhiều hạn chế. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch thiếu đồng bộ và không đảm bảo về chất lượng. Các sản phẩm du lịch còn chưa thực sự hấp dẫn du khách. Đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn thấp...
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, bước đầu đã đưa ra các định hướng tổng thể phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian qua có một số thay đổi lớn đã tác động mạnh đến khu vực do vậy việc lập Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình là cần thiết và cấp bách.
6 phân khu và 4 trung tâm phát triển
Theo tư vấn, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình có mục tiêu là định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho quy hoạch chung xây dựng.
Đồ án được duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển khu du lịch quốc gia theo quy hoạch, tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư xây dựng tiếp theo…
Đồ án xác định các nguyên tắc phát triển không gian cho Khu du lịch quốc gia gồm chú trọng bảo tồn các giá trị cảnh quan tự nhiên và văn hóa lịch sử; Tổ chức kết nối hệ thống giao thông gồm đường cao tốc, đường khu vực, cảng đường thủy, bến xe và các bãi đỗ xe trong khu du lịch quốc gia; Phát triển cân bằng, hỗn hợp giữa du lịch – kinh tế nông nghiệp – đô thị.
Theo đồ án, toàn khu du lịch quốc gia được phân thành 6 phân khu và 4 khu vực phát triển du lịch tập trung. Trong đó, phân khu 1, phát triển du lịch mang tính chất động và gắn với đô thị Hòa Bình, gắn kết hệ thống cảng Ba Cấp, Bích Hạ (thuộc thành phố Hòa Bình).
Phân khu 2, phát triển du lịch sinh thái hồ, vui chơi giải trí nước Hiền Lương, Bình Thanh - Vây Nưa gắn với cảnh quan sông Đà, hồ Hòa Bình (thuộc huyện Đà Bắc).
Phân khu 3, phát triển du lịch đồi núi cao phía Bắc và hồ Hòa Bình (thuộc huyện Cao Phong và Đà Bắc).
Phân khu 4 là trung tâm của khu du lịch quốc gia, gắn với các hoạt động du lịch đặc trưng như trung tâm giới thiệu, trung tâm mua sắm, phố đi bộ, công gian chuyên đề, du lịch văn hóa tâm linh, sân khấu thực cảnh... (thuộc huyện Cao Phong và Tân Lạc).
Phân khu 5 phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với cảng Phúc Sạn và kết nối với khu du lịch Mai Châu (thuộc huyện Mai Châu).
Phân khu 6 là khu vực thiên nhiên hoang dã phía Tây, trung tâm du lịch sinh thái tự nhiên gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh; kết nối với Mộc Châu (Sơn La) qua tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu để tạo thành cửa ngõ phía Tây của khu du lịch quốc gia (thuộc huyện Đà Bắc).
4 khu vực khu vực phát triển du lịch tập trung, gồm khu vực Hòa Bình - Thái Bình (thuộc phân khu 1); Khu vực Hiền Lương - Bình Thanh, Vầy Nưa (thuộc phân khu 2); Khu vực Đảo Sung - Ngòi Hoa – Thung Nai (thuộc phân khu 4); khu vực ven cảng Phúc Sạn (thuộc phân khu 5).
Đồ án đồng thời tổ chức phân bố hệ thống đô thị, khu vực dân cư nông thôn; định hướng phát triển không gian các ngành kinh tế, các khu vực phát triển du lịch tập trung, điểm du lịch, dịch vụ du lịch, kiến trúc cảnh quan và đề xuất khu vực cần điều chỉnh quy hoạch đất rừng; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm giao thông, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang…
Phát huy lợi thế của khu du lịch quốc gia
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định nhận định: Đồ án được nghiên cứu bài bản, công phu, hồ sơ đầy đủ, bảo đảm căn cứ pháp lý.
Đồ án đáp ứng yêu cầu đối với một quy hoạch xây dựng, làm căn cứ để quản lý, triển khai lập quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư phát triển...
Tuy nhiên, các thành viên hội đồng cũng lưu ý trong quy hoạch phát triển, Hòa Bình phải ưu tiên đặt các chức năng hàng đầu của hồ Hòa Bình là bảo đảm an toàn hồ đập, phục vụ thủy điện; điều tiết lũ cho Đồng bằng sông Hồng; bảo vệ rừn, bảo vệ môi trường nước, phục vụ cấp nước an toàn cho khu vực hạ lưu, trong đó có Hà Nội… lên trước ưu tiên phát triển du lịch.
Đồ án cần bổ sung, phân tích, làm rõ hơn đánh giá hiện trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trong đó có hạ tầng du lịch; Phân tích điều kiện tự nhiên, tiềm năng thế mạnh của khu du lịch quốc gia và làm rõ mối tương quan giữa khu du lịch quốc gia với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Trung du và miền núi phía Bắc, với các khu du lịch khác trong vùng…
Đồ án phải làm rõ tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thách thức của Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; làm rõ sự khác biệt riêng về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc địa phương và thực trạng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên cơ sở đó định hướng các loại hình du lịch phù hợp.
Đồ án phải đưa ra những luận cứ có khoa học hơn khi đề cập đến quy mô dân số và dự báo lượng khách du lịch đến với khu du lịch quốc gia trong thời gian tới.
Đặc biệt, tỉnh Hòa Bình nên đề xuất riêng cơ chế đặt thù cho khu du lịch quốc gia, không lồng ghép trong đồ án. Bởi đề xuất vượt ngoài khuôn khổ của một đồ án quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương cho biết: Tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định cho đồ án.
Theo ông Chương, nhằm phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, phong phú, bản sắc văn hóa…, tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển du lịch khu du lịch quốc gia theo hướng khác biệt, lựa chọn phát triển các đặc thù mà các địa phương khác không có.
Phó Chủ tịch giao Sở Xây dựng phối hợp với tư vấn để sớm hoàn thiện đồ án, báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 12/2020.
Ông Chương đồng thời đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ ngành quan tâm hoàn thiện các cơ sở pháp lý, hỗ trợ Hòa Bình trong thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả của đồ án; Bộ Giao thông vận tải tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông quốc lộ trên địa bàn, ưu tiên phát triển các tuyến giao thông đến các khu, điểm du lịch nhằm kích thích phát triển du lịch Hòa Bình.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ sự đồng tính với ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng.
Thứ trưởng đề nghị: Về định hướng phát triển không gian, đồ án cần làm rõ hơn các định hướng phát triển, ranh giới, quy mô, tính chất của toàn bộ khu du lịch quốc gia, của từng phân khu chức năng; Xác định các vùng cần bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng trên cơ sở điều kiện tự nhiên, đất đai...
Đồ án xác định rõ cơ cấu sử dụng đất gồm đất đô thị, đất ở nông thôn, đất du lịch, đất rừng, đất nông nghiệp, trong đó lưu ý giải pháp cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch.
Đồ án phân tích làm rõ hơn các giải pháp cụ thể về kiểm soát phát triển không gian, kiến trúc cảnh quan, các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật; định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu mối, trong đó lưu ý vấn đề sạt lở trong khu vực.
Thứ trưởng đặc biệt lưu ý Hòa Bình vấn đề bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hồ đập; đánh giá tác động giữa việc phục vụ nhà máy thủy điện với hoạt động phát triển du lịch; xác định cụ thể các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư để bảo đảm phát triển đột phá cho khu du lịch quốc gia.
Đối với đề xuất cơ chế đặc thù, Thứ trưởng đồng tình quan điểm của các thành viên Hội đồng là đồ án chỉ định hướng, theo đúng mục tiêu, tính chất của một đồ án quy hoạch. Muốn đề xuất cụ thể, tỉnh Hòa Bình phải có báo cáo riêng về vấn đề này.
Sau cùng, Thứ trưởng đề nghị tư vấn phối hợp với địa phương nhanh chóng tiếp thu ý kiến Hội đồng, sớm hoàn thiện đồ án, trên cơ sở đó Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước các kiến nghị của lãnh đạo Hòa Bình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp thu với các vấn đề thuộc thẩm quyền, chức năng của Bộ.