Khu kinh tế, khu công nghiệp Thanh Hóa: Thiếu vốn đầu tư hạ tầng
Thiếu vốn khiến hạ tầng các Khu Kinh tế (KKT), Khu Công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị chậm đầu tư, gây nhiều trở ngại trong thu hút dự án đầu tư thứ cấp.
Theo số liệu từ Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN (Ban Quản lý) của Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 KCN với tổng diện tích 2.250 ha, trong đó 5 KCN đã được đầu tư hạ tầng và đi vào hoạt động, thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Đến nay, khu vực này đã thu hút được 623 dự án trong đó có 564 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 147.876 tỷ đồng, 59 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 13.356 triệu USD.
Các dự án trong KKT, KCN đang từng bước hoàn thiện, sản xuất ổn định mang lại doanh thu tốt cũng như đóng góp vào ngân sách nhà nước. Ban Quản lý cũng đưa ra con số dự kiến, giai đoạn 2016 -2020, giá trị sản xuất, kinh doanh dịch vụ của khu vực kinh tế này ước đạt 577.034 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 56.379 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,5 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14 tỷ USD.
Đáng nói, với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi KKT Nghi Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã nghiên cứu, xem xét đầu tư tại KKT Nghi Sơn. Điển hình có thể kể đến: Tập đoàn Exxonmobil (Mỹ) nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn, tổng mức đề xuất khoảng 5 tỷ USD; Tập đoàn Foxcon (Đài Loan) nghiên cứu đầu tư tổ hợp sản xuất chip điện tử, tổng mức đề xuất khoảng 3 tỷ USD; Tập đoàn Mintal (Hong Kong) nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất thép màu, tổng mức đề xuất khoảng 2 tỷ USD… những dự án này hầu hết đã được đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề xuất dự án, ký biên bản ghi nhớ nên tính khả thi rất cao.
Dù đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên đại diện Ban Quản lý cho rằng, khu vực này vẫn chưa khai thác hết lợi thế. Nguyên do là thiếu nguồn vốn cho hoàn thiện hạ tầng. Trong đó, riêng nhu cầu đầu tư trong KKT Nghi Sơn là khoảng 5.000 tỷ đồng nhưng nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ mới chỉ đạt 20%, vì vậy rất khó khăn trong việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng đáp ứng cho sự phát triển.
Hơn nữa, hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, việc phân cấp ủy quyền cho Ban Quản lý còn chưa đầy đủ, nhiều lĩnh vực chưa ủy quyền đã làm cho vai trò quản lý nhà nước trực tiếp của Ban Quản lý đối với KCN, KKT còn chồng chéo, mờ nhạt,… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, sự phát triển của KKT, KCN.
Đại diện Ban quản lý cũng đề xuất, Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách và huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp khác để từng bước đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong KKT, KCN; giảm bớt danh mục các dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư để tăng cường sự chủ động cho địa phương.
Trước những đề xuất trên, tại buổi làm việc mới đây với Ban Quản lý, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã yêu cầu các bộ, ngành phối hợp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho KKT Nghi Sơn và các KCN khác. Ban Kinh tế Trung ương cũng sẽ có ý kiến với Chính phủ, sớm có những chính sách chung cho các KKT và KCN.
Riêng với KKT Nghi Sơn, ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu các mô hình trên thế giới, có cơ chế mới, phù hợp để xây dựng, thúc đẩy KKT ngày càng phát triển hơn.
Năm 2019, giá trị sản xuất, kinh doanh dịch vụ của các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 190.118 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,5 tỷ USD.